1 tháng cho 86 Nghị định, quyết định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Ào ào” gửi dự thảo giờ chót

Đến thời điểm này, Bộ Tư pháp đã nhận và tổ chức thẩm định 68/86 văn bản, bảo đảm tiến độ, tạo điều kiện cho các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được 48/68 văn bản. Còn lại 18/86 văn bản Bộ Tư pháp chưa nhận được hồ sơ để thẩm định và 22/68 văn bản được được trình Chính phủ sau khi đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Như vậy, số lượng văn bản có thể và không thể về kịp đích là rất lớn. Thời gian một lần nữa là một áp lực lớn cho những người xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành cũng như các cơ quan có trách nhiệm trong việc thẩm định (Bộ Tư pháp), thẩm tra (Văn phòng Chính phủ). Chính vì sự chậm trễ của các cơ quan chủ trì soạn thảo, dẫn đến việc thẩm định, thẩm tra cũng phải lùi lại. Đến giờ chót các bộ, ngành “ào ào” gửi dự thảo đến để thẩm định, vì bộ, ngành nào cũng ngại bị điểm mặt chỉ tên vào danh sách nợ đọng. Vậy là gây áp lực cho người là công tác thẩm định, thẩm tra văn bản. 

Trong khi đó, có những dự thảo văn bản đang là dự thảo 1 như Nghị định quy định về tiền lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ nâng lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; hay đang trong giai đoạn soạn thảo (được phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn) như Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 26/2008 về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế…

Còn đối với 49 Nghị định hướng dẫn quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì Bộ Tư pháp đã thẩm định 48 dự thảo văn bản, còn 1 dự thảo chưa nhận được hồ sơ thẩm định (Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quốc phòng, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo). Đối với số lượng văn bản này, cần đẩy nhanh tiến độ thẩm tra để bảo đảm thời gian. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang áp dụng chế độ không gửi trả lại các bộ sau khi thành viên Chính phủ cho ý kiến nhằm bảo đảm được thời gian.

Gỡ vướng

Không chỉ nóng lên bởi số lượng văn bản cần phải ban hành lớn mà còn rất nhiều vấn đề đã được các bộ, ngành nêu lên tại cuộc họp liên quan đến công tác xây dựng văn bản hướng dẫn. Đó không chỉ thiếu thống nhất trong cách hiểu về quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư; áp lực về tiến độ nên rất nhiều văn bản không tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động… mà còn lại rất nhiều nội dung mới, khó, phức tạp chưa có tiền lệ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, mặc dù Luật Đầu tư đã có hiệu lực 2 năm, song phải đến tháng 4.2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có hướng dẫn như thế nào là điều kiện kinh doanh, chính vì thế các bộ, ngành rất khó nhận diện thế nào là điều  kiện kinh doanh, và ngay cả khi có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rồi thì cũng chưa hẳn đã nhận được sự thống nhất giữa những người làm công tác pháp chế.

Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Đăng Công Khôi cho rằng, Bộ Tư pháp nên có một đầu mối giúp các bộ, ngành giải quyết những dự thảo được áp dụng theo thủ tục rút gọn, đồng thời cần đổi mới cơ chế thẩm định, không phải dự thảo nào cũng cần thiết phải thẩm định theo cơ chế hội đồng, cần linh hoạt với hình thức hội thẩm chuyên gia, giao cho các đơn vị chức năng thẩm định, nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định lên. 

Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đức Duy đề xuất, nên linh hoạt về thời gian có hiệu lực của văn bản. Hiện nay, đa phần các văn bản có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày ban hành, tuy nhiên có những luật đơn giản, có những luật phức tạp, nên căn cứ vào tính chất của từng vấn đề luật điều chỉnh để quy định thời điểm của hiệu lực của văn bản, giảm gánh nặng cho các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản. 

Có thể thấy khá nhiều ý kiến được nêu lên, trong đó có những ý kiến khá thẳng thắn nhìn rõ được nhược điểm của bộ, ngành mình, của công tác xây dựng lập pháp; có những ý kiến gỡ vướng có tính khả thi cao, nhưng tất cả đều chung một quan điểm không nên vì áp lực thời gian mà xem nhẹ chất lượng văn bản; đồng thời những vấn đề gì còn có nhiều cách hiểu khác nhau thì nên quy định theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, những vấn đề gì mà bản thân người làm pháp luật chưa rõ, chưa hiểu thì không nên quy định.

Đình Khoa
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=373154