10 năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo: Quảng cáo – nhu cầu có thật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Nhu cầu có thật” ở đây là của cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, giới truyền thông và toàn xã hội.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã có bước phát triển mạnh, với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, sự mở rộng về hình thức, quy mô và công nghệ. Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quan tâm. Theo số liệu của Kantar Media Việt Nam, đơn vị nghiên cứu thị trường và phân tích truyền thông, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng cho quảng cáo. Khảo sát của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, 95% độc giả cho rằng trang quảng cáo là cần thiết. Số liệu thống kê từ đề tài khoa học Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ở Việt Nam… năm 2010 cho thấy, có đến 90% người dân được tiếp xúc với quảng cáo. Gần như tất cả doanh nghiệp lớn nhỏ đều có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, trong đó các doanh nghiệp nhà nước ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể. Nhu cầu thông tin xã hội về học hành – việc làm cũng đang phát triển mạnh. Người dân được tiếp cận nhiều giá trị văn hóa của các nước một phần nhờ quảng cáo và ngược lại, thông qua các quảng cáo dịch vụ, sản phẩm của Việt Nam mà văn hóa Việt Nam được chuyển tải ra thế giới.

Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thành Lương cho rằng, quảng cáo hiện nay đóng một khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất, có tác dụng thúc đẩy việc bán hàng, sinh lời để tái đầu tư sản xuất. Vì vậy, nên xem quảng cáo cũng là một ngành kinh tế và cần phải có những chính sách phù hợp tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển. “Quảng cáo phát triển, Đài Truyền hình Việt Nam tăng doanh thu, từ đó có nguồn để tái đầu tư sản xuất và mua các chương trình truyền hình hấp dẫn có bản quyền phục vụ nhân dân. Nhân dân ngày càng được xem nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn hơn mà vẫn được miễn phí. Như vậy, đối tượng cuối cùng được hưởng lợi là người dân”, ông Nguyễn Thành Lương nhấn mạnh.

Theo thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, trong đó khoảng 20% là các công ty nước ngoài nhưng lại thao túng tới 80% thị phần. Báo cáo của Công ty truyền thông TNS Media Việt Nam cho biết, doanh thu ngành quảng cáo tăng từ 550 triệu USD năm 2008 lên 736 triệu USD năm 2009 và khoảng 900 triệu USD năm 2010.

Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị Đặng Tâm Chánh thì khẳng định: quảng cáo trên báo chí không chỉ tạo doanh thu cho bản thân các cơ quan báo chí mà còn là cơ hội phát triển thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi các doanh nghiệp này khó có khả năng chi cho quảng cáo sản phẩm của mình trên các phương tiện chi phí cao như truyền hình. Vấn đề ở đây là phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm quảng cáo – điều vượt quá khả năng của các báo. Tuy nhiên, các báo phải chịu trách nhiệm về thông tin quảng cáo trên báo, nếu tiếp tay cho quảng cáo gian dối, người đọc sẽ tẩy chay…

Nền kinh tế sản xuất hàng hóa cả nước đang phát triển với tốc độ khá cao. Hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng và rất đa dạng. Mức tiêu dùng cũng như tính chất tiêu dùng trong nhân dân đang tăng trưởng mạnh. Do đó, việc mở rộng hoạt động quảng cáo trên báo đài là một đòi hỏi của các tầng lớp dân cư và về mặt quy luật, là một tất yếu khách quan. Việc mở rộng hơn nữa quy mô quảng cáo sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có nhiều phương tiện quảng bá sản phẩm của mình, giúp người tiêu dùng có nhiều thông tin trong việc lựa chọn hàng hóa. Số lượng quảng cáo nhiều cũng thể hiện uy tín, sức mạnh và khả năng tổ chức của các cơ quan báo chí. Ở một khía cạnh khác, bộ mặt quảng cáo cũng phản ánh chính bộ mặt phát triển kinh tế – xã hội của đất nước chúng ta. Vì thế, cần nhận thức, đánh giá đúng vai trò, vị trí của quảng cáo và tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển.

Nguyên Anh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân