10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2007 do Báo Hà Nội mới bình chọn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua

Năm 2007, tăng trưởng GDP của cả nước đã đạt 8,44%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Với mức tăng trưởng này, vào năm 2008, Việt Nam phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người 960 USD/người/năm, đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước đang phát triển có thu nhập thấp.

2. Thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân

Ngày 20/11, với 79,11% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Theo dự thảo luật, mức khởi điểm chịu thuế là trên 4 triệu đồng/tháng. Mức thuế suất từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là 20%.

3. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng một thập niên

Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2007 tăng 12,63% so với cuối năm 2006 – mức tăng cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh yếu tố tác động từ thị trường thế giới, nguyên nhân chính của việc giá tiêu dùng tăng cao trong năm 2007 là năng lực hấp thụ vốn của Việt Nam còn hạn chế, công tác dự báo còn rất kém.

4. Diễn biến bất ngờ trên thị trường chứng khoán

Trong 3 tháng đầu năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ và chỉ số Vn-Index đã có thời điểm đạt tới gần 1.200 điểm. Sang quý II, thị trường chững lại và giảm mạnh. Đến quý III, thị trường tiếp tục giảm và “đáy’” 900 điểm có lúc bị “thủng”. Sau đó, thị trường hồi phục mạnh. Mặc dù vậy, vào tháng 11, Vn-Index đã có lúc xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm. Vào thời điểm cuối năm, thị trường giảm trong phần lớn các phiên giao dịch, ngưỡng 900 điểm một vài lần bị “đe dọa” “phá vỡ”.

Đây là diễn biến bất ngờ, bởi vào đầu năm, nhiều chuyện gia nhận định thị trường sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

5. Cam kết ODA lập kỷ lục của kỷ lục

Kết thúc Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vào ngày 7/12, tổng số tiền các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam trong năm 2008 lên tới 5,426 tỉ USD, tăng 1 tỷ USD so với mức kỷ lục là trên 4,4 tỉ USD cho năm 2007, là mức cao nhất trong các kỳ Hội nghị. Trong đó, tổng giá trị cam kết song phương đạt 2,626 tỉ USD, cam kết đa phương đạt 2,55 tỉ USD, mức cam kết của các tổ chức phi Chính phủ đạt 250 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản tiếp tục là những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, cùng tài trợ trên 1 tỉ USD.

6. Đột biến về xuất khẩu

Trong năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt kỷ lục: 48,38 tỷ USD, vượt 3,4% kế hoạch và tăng 21,5% so với năm trước. Năm nay có 10 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 4 nhóm mặt hàng truyền thống là dệt may, dầu thô, giày dép và thuỷ sản đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD.

7. Vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam

Năm 2007, Việt Nam thu hút 20,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 69,1% so với năm ngoái và vượt 56% kế hoạch năm (dự kiến là 13 tỷ USD). Đây là mức cao nhất kể từ khi thực hiện Luật đầu tư nước ngoài (năm 1988) đến nay. Năm 2007 còn là năm được mùa của các lĩnh vực công nghệ cao và bất động sản, trong đó phải kể đến Tập đoàn ủy thác Trustee Suisse (Thụy Sĩ) đầu tư 2 tỷ euro vào dự án Hòn ngọc châu Á tại Phú Quốc; Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư Berjaya Land Berhad, Malaixia xây dựng dự án Khu đô thị đại học quốc tế có quy mô vốn 3,5 tỷ USD.

8. Tăng hạng về môi trường kinh doanh

Theo báo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2008 do Ngân hàng thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) đã công bố hồi tháng 9/2007, Việt Nam đứng thứ 91/178 nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, so với 104/175 nền kinh tế trong báo cáo năm trước. Báo cáo cho rằng, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp hạng thấp trong 3 lĩnh vực là: bảo vệ nhà đầu tư, giải thể doanh nghiệp và đóng thuế.

9. Giá vàng lên cao nhất từ trước đến nay

Ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, năm 2007, giá vàng trong nước có nhiều biến động, trong đó vào ngày 8/11, giá kim loại quý này đã lên đến đỉnh điểm là 1,655 triệu đồng/chỉ-mức cao nhất từ trước đến nay. Trong những tuần cuối năm, giá vàng giao dịch phổ biến ở mức 1,570 triệu đồng/chỉ và đã vượt mốc 1,6 triệu đồng/chỉ trước khi kết thúc năm một vài ngày.

10. Cổ phần hóa Ngân hàng thương mại quốc doanh đầu tiên

Sau nhiều lần trì hoãn, vào đầu tháng 12/2007, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức công bố kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Theo đó, 97.500.000 cổ phần Vietcombank được đưa ra bán đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, tương đương 975 tỷ đồng theo mệnh giá, bằng 6,5% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phần vào ngày 26/12. Phiên đấu giá đã thu hút 9.473 nhà đầu tư tham gia, với tổng khối lượng đăng ký mua là 122.217.200 cổ phần. Kết quả, giá đấu thành công bình quân là 107.860 đồng/cổ phần. Việc cổ phần hóa Ngân hàng thương mại quốc doanh đầu tiên này đã tác động lớn đến thị trường chứng khoán. Sự kiện này cũng được cho là bước tiến quan trọng của ngành ngân hàng.

Nguồn: Báo Hà Nội mới