10 sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Lạm phát đầu năm tăng cao

Tiếp nối cơn bão giá cuối năm 2007 bắt nguồn từ sự leo thang của giá xăng dầu, giá cả tiêu dùng những tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng mạnh với chỉ số lạm phát quý 1 là 9%, mức cao kỷ lục trong nhiều năm và cao hơn cả mức tăng trưởng dự kiến của cả năm. Giá dầu, giá lương thực tăng mạnh khiến các chuyên gia dự đoán lạm phát cả năm sẽ ở mức trên 20%. Chính phủ và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã phải triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ để đối phó lạm phát và đây được coi là mục tiêu hàng đầu trong điều hành kinh tế.

2. Cơn sốt lúa gạo giữa năm 2008

Cuối tháng 4 năm 2008, trong lúc giá gạo trên thị trường đang ở mức cao chưa từng có thì đột nhiên thị trường gạo “sốt” sùng sục bởi tin đồn vô căn cứ về khả năng Việt Nam sẽ thiếu gạo, giá gạo sẽ tăng mạnh. Người dân ở thành phố đổ xô đi mua gạo dự trữ, các siêu thị cháy hàng trong khi các đại lý găm hàng chờ giá cao. Sau một hai ngày cơn sốt đã hạ nhiệt sau những biện pháp điều chỉnh và các tuyên bố cam kết bình ổn thị trường của doanh nghiệp cũng như nhà quản lý. Cơn sốt này là một lời cảnh báo về sự minh bạch thông tin trên thị trường, hiện tượng đầu cơ “đục nước béo cò” của một số nhà phân phối.

 Ảnh minh họa

 Một người lái xe ôm chở gạo ra chợ. Ảnh: AP

3. Giá xăng dầu biến động khôn lường

Năm 2008 là một năm chưa từng có trong lịch sử giá dầu khi mà giá dầu tăng liên tục trong nhiều tháng và leo lên mức cao nhất mọi thời đại 147 USD/thùng vào tháng 7. Tuy nhiên đến cuối năm, giá dầu lại tuột dốc xuống còn 34 USD/thùng, chưa bằng 25% mức giá đỉnh cao, mặc cho OPEC ra sức cắt giảm sản lượng. Giá xăng dầu trong nước cũng theo đó biến động mạnh. Giữa năm 2008, giá xăng trong nước lên đến 19.000 đồng/lít với mức thuế nhập khẩu bằng 0%. Cuối năm giá xăng đã giảm còn 11.000 đồng/lít với mức thuế nhập khẩu là 40%. Quản lý giá xăng dầu sao cho đảm bảo cân bằng ngân sách nhà nước và giữ ổn định giá cả tiêu dùng là một bài toán làm đau đầu các nhà quản lý và tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.

 Ảnh minh họa

 Giá xăng tháng 7/2008 lên tới 19.000 đồng/lít. Ảnh: SGGP

4. Thị trường bất động sản trầm lắng

Sau cơn sốt năm 2007, năm 2008 thị trường bất động sản đột ngột trầm lắng theo sự tăng vọt của lãi suất ngân hàng và nhu cầu đầu cơ sụt giảm. Giá nhà đất tại một số nơi ở Tp.HCM và Hà Nội đã giảm đến 50% nhưng vẫn không có khách mua. Hàng loạt dự án bất động sản bị ngừng trệ cho chi phí vật liệu tăng, ngân hàng không sẵn sàng hỗ trợ và người mua cũng thưa dần. Suốt từ quý 2 đến nay, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu ấm trở lại mặc dù vào thời điểm cuối năm, một số quỹ đầu tư đã bày tỏ ý định đầu tư trở lại vào thị trường bất động sản bởi mức giá hợp lý hiện nay.

5. Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng tài chính Mỹ

Sự bùng nổ quá mức của thị trường cho vay thế chấp ở Mỹ trong những năm kinh tế phát triển đã vỡ tan như bong bóng khi thị trường bất động sản ở Mỹ đi xuống, kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng hàng đầu nước Mỹ. Phát súng đầu tiên cho sự suy sụp của cả hệ thống tài chính Mỹ là sự phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9/2008, tiếp nối theo sự ra đi của Merrill Lynch, AIG… Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính Mỹ đã kéo theo hệ thống tài chính cả thế giới chao đảo, châm ngòi cho sự suy thoái kinh tế cùng lúc ở các nước đang phát triển.

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

 Vụ phá sản của Lehman Brother đã kéo theo hàng loạt tập đoàn ngân hàng tài chính lao đao

6. Các nền kinh tế lớn cùng lúc rơi vào suy thoái

Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới, cả 3 nền kinh tế trụ cột của thế giới cùng lúc rơi vào suy thoái sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và sự đi xuống theo chu kỳ sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Nhật Bản đã có 3 quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng âm do xuất khẩu sụt giảm. Lần đầu tiên kể từ sau khi thành lập, khu vực đồng tiền chung euro cũng công bố suy thoái sau 2 quý kinh tế đi xuống. Kinh tế Mỹ tuy mới chính thức có một quý tăng trưởng âm nhưng các chuyên gia cho rằng đã bắt đầu suy thoái kể từ đầu năm 2008. Lãi suất của Mỹ và Nhật Bản đã được hạ về mức thấp kỷ lục là 0 – 0,25% và 0,1% để vực dậy nền kinh tế.

7. Thị trường chứng khoán tuột dốc

Cũng là sau đợt tăng trưởng kỷ lục năm 2007, năm 2008 thị trường chứng khoán lao dốc từ đỉnh cao bởi những tác động tiêu cực liên tiếp từ các hoạt động kinh tế. Thị trường tiền tệ, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản… những khó khăn chung này đẩy thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones hạ từ mức đỉnh cao nhất 14.164,53 điểm ngày 9/10/2007 xuống dưới 8.000 điểm vào ngày 20/11. Tại Việt Nam, VN-Index tuột dốc từ mức trên 1.100 điểm hồi tháng 10/2007 xuống còn dưới 300 điểm vào đầu tháng 12/2008.

 Ảnh minh họa
8. Biến động mạnh trên thị trường tài chính tiền tệ

Năm 2008 cũng là năm chứng kiến sự biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ. Lãi suất ngân hàng những tháng đầu năm mải miết tăng theo tỷ lệ lạm phát khi các ngân hàng thiếu thanh khoản. Lãi suất cơ bản tăng lên đến 13% còn lãi suất huy động của các ngân hàng có lúc lên đến mức cao kỷ lục 21%. Đến hai tháng cuối năm, lãi suất cơ bản được cắt giảm liên tục xuống còn 8,5% và lãi suất cho vay cũng như huy động cũng giảm tương ứng. Đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới khi lãi suất cơ bản của EU giảm còn 2,5%, của Mỹ và Nhật Bản về sát mức 0%.

 Ảnh minh họa
9. Chính sách kích cầu trị giá 6 tỷ USD

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất và an sinh xã hội, chính phủ dự kiến sẽ công bố một gói kích cầu lên đến 6 tỷ USD (gần 110.000 tỷ đồng). Số tiền này sẽ không phải là một gói tài chính cụ thể bơm trực tiếp vào nền kinh tế, mà là các khoản từ giảm thuế, phát hành thêm trái phiếu, bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn quốc tế, an sinh xã hội,… Đây cũng là một hành động phổ biến của các chính phủ trên thế giới trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Thủ tướng Nhật tuần trước đã công bố một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hơn 250 tỷ USD. Bên cạnh chương trình hỗ trợ 700 tỷ USD của chính quyền Bush nhằm cứu các ngành công nghiệp đang gặp khủng hoảng, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Obama cũng dự định chi hàng trăm tỷ USD vào các chương trình kích cầu, tạo việc làm.

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

 Các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước thảo luận các biện pháp kích cầu. Ảnh: TBKTSG

10. Vụ lừa đảo trên thị trường tài chính Mỹ

Sự kiện được coi là lớn nhất trên thị trường tài chính Mỹ năm nay lại không phải là sự sụp đổ của các ngân hàng hàng đầu hay kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD mà lại chính là vụ ông trùm đầu tư Bernard Madoff bị bắt vào giữa tháng 12 vừa qua. Đây là một nhân vật đầy thế lực trong giới tài chính Mỹ, tham gia đầu tư từ những năm 1960 và từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong đó có Chủ tịch thị trường giao dịch chứng khoán Nasdaq. Ông Madoff bị bắt bởi lời thú tội đã lừa gạt 50 tỷ USD của các nhà đầu tư. Tuy nhiên con số này có thể chưa dừng lại ở đây khi mà danh sách nạn nhân đang ngày một dài ra. Trong số các nạn nhân có từ các quỹ từ thiện cho đến các tỷ phú bạn thân của Madoff, các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Thủ đoạn lừa đảo của Madoff hết sức đơn giản và đã không hề bị nghi nghờ gì trong nhiều năm qua. Vụ việc này một lần nữa bộc lộ lỗ hổng trong hệ thống quản lý thị trường tài chính tưởng như chặt chẽ của Mỹ.

 Ảnh minh họa

 Bernard Madoff, thủ phạm vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ


Nguồn: Báo điện tử VnMedia