10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật năm 2007, do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt tốc độ cao nhất trong 10 năm qua. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) cả năm đạt khoảng 8,5%; GDP theo giá hiện hành dự kiến đạt 1.144 tỷ đồng, tương đương 71,3 tỷ USD; bình quân đầu người đạt 835 USD, kế hoạch đặt ra là 820 USD; huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,7% so với năm 2006 là 18%.

2. Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO: Sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nền kinh tế nước ta đã được thâm nhập vào thị trường toàn cầu: kim ngạch xuất khẩu gia tăng, cơ hội lớn cho xuất khẩu… Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn cần giải quyết: đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế cho sản phẩm, đơn giản hoá thủ tục thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

3. Thị trường chứng khoán bứt phá nhưng cũng đầy biến động: Năm 2007 đánh dấu sự bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam, tầm ảnh hưởng và sức lan toả của nó ngày càng lớn trong đời sống người dân. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm thị trường có nhiều biến động. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 tạo hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường phát triển. Đây cũng là năm ghi nhận quy mô thị trường tăng mạnh, nhiều đợt IPO lớn, đột phá trong đào tạo và bùng nổ về truyền thông chứng khoán…

4. Thu hút FDI và đầu tư nước ngoài tăng mạnh: Năm 2007 khép lại với con số thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài( FDI) của cả năm đầy ấn tượng: 20,3 tỷ USD. Kế hoạch được đặt ra cho năm 2007 10,3 tỷ USD, thế nhưng số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa được công bố cho thấy, cả nước đã thu hút được 20,3 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký gồm cả cấp mới và tăng vốn, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt 56% kế hoạch dự kiến.

5. Năm 2007 – năm thành công về xuất khẩu: đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006 và vượt 3,1% so với với mục tiêu 46,76 tỷ USD mà Chính phủ đã đề ra. Điều đáng chú ý, nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã có 10 thành viên. Ngoài 9 nhóm hàng quen thuộc thì đã xuất hiện thêm nhóm sảm phẩm cơ khí. Trong đó có 3 nhóm hàng trên 3 tỷ USD, 2 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Cụ thể, thủy sản đạt 3,75 tỷ USD; gạo 1,48 tỷ USD; cao su 1,41 tỷ USD; dầu thô 8,4 tỷ USD; dệt may 7,7 tỷ USD; giày dép 3,9 tỷ USD; điện tử và linh kiện máy tính 2,2 tỷ USD; sản phẩm gỗ 2,34 tỷ USD. Đặc biệt, nhóm sản phẩm cơ khí đã có sự tăng trưởng rất mạnh từ xấp xỉ 1 tỷ USD năm ngoái lên 2,2 tỷ USD trong năm nay.

6. Ngành đóng tàu Việt Nam bứt phá ngoạn mục: Việt Nam đang nỗ lực để gia nhập nhóm các nước đóng tàu hàng đầu thế giới và Vinashin là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực này. Hiện, tuy phần vốn của Việt Nam mới chỉ chiếm 30-35% trong ngành đóng tàu quốc gia, nhưng sẽ nhanh chóng tăng lên tới 60% vào năm 2010. Những thế mạnh của ngành đóng tàu Việt Nam là bờ biển dài 3.250km với nhiều địa điểm có thể xây dựng các cảng nước sâu cùng với nguồn lao động rẻ và được đào tạo tốt.

7. Hạ tầng yếu kém cản trở tiến trình phát triển: Đường sá xuống cấp trầm trọng, thiếu tính quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ giao thông khiến cho tình trạng ách tắc giao thông tại các đô thị lớn trở thành “bài toán” nan giải đối với người dân và doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc cắt điện luân phiên khi mới bước vào mùa khô cũng ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế và đời sống. Hạ tầng yếu kém chính là một trong những nút thắt cổ chai của nền kinh tế trong năm qua, làm chậm tiến trình phát triển.

8. Nhập siêu tăng mạnh là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Nhập siêu cả năm 2007 đã lên đến 10 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2006. Bộ Công thương cho biết, đây là mức nhập siêu cao nhất so với nhiều năm gần đây. Các mặt hàng nhập khẩu lớn, có mức tăng mạnh bao gồm: ôtô nguyên chiếc tăng 132%, linh kiện ôtô tăng 64%, thép tăng 56,4%, phôi thép tăng 37%, máy móc và thiết bị phụ tùng tăng 54%… Theo Bộ Công thương, nguyên nhân nhập siêu tăng mạnh do: nhu cầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế tăng mạnh; giá các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng khiến cho kim ngạch nhập khẩu tăng lên đáng kể; ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế, nhu cầu tiêu dùng và sức mua trong nước tăng cao; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tốc độ nhập khẩu. Trong khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ nhu cầu sản xuất và đầu tư phát triển tăng cao thì khối lượng và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực nhất là hàng hóa thuộc nhóm nguyên nhiên liệu lại có xu hướng giảm, các nhóm hàng công nghiệp chế tạo được kỳ vọng lại chưa có sự tăng trưởng bứt phá.

9. Lạm phát 2007 ở mức cao: có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: giá cả nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng mạnh; thiên tai xảy ra thường xuyên; sự kém hiệu quả trong giải ngân và quản lý nguồn vốn; thu nhập và đời sống dân cư tăng cao; yếu tố tâm lý… Tuy nhiên, lạm phát năm 2007 có nguyên nhân chính từ nguồn cung tiền tệ năm 2007 quá lớn. Đây là điểm cơ bản và đặc trưng của lạm phát năm 2007. Thêm vào đó, giá lương thực – thực phẩm và giá dầu thế giới đã tăng cao trong năm 2007. Do hai nhóm hàng hóa này đều là những sản phẩm ngoại thương chủ đạo của Việt Nam và đồng thời chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI, đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong suốt năm nay.

10. Sốt giá nhà, đất, vàng

Sự việc người dân chen lấn nhau để đăng ký mua căn hộ của các dự án The Vista, Sky Garden 3, Blue Diamond ở TPHCM, khu đô thị mới Mỹ Đình, Trung Hoà ở Hà Nội có phần xuất phát từ việc giá nhà đất trong năm 2007 bị “sốt” cục bộ. Giá nhiều căn hộ cao cấp tăng gấp ba lần chỉ trong vòng một năm. Các nhà môi giới bất động sản lý giải nguyên nhân là do cầu tăng đột biến song nguồn cung lại nhỏ giọt, chủ yếu do quy định pháp luật quá nhiêu khê. Trong khi đó, vàng cũng ghi dấu ấn kỷ lục trong vòng 28 năm qua, khi lên tới mức giá hơn 16 triệu đồng/lượng vào thời điểm những ngày cuối năm 2007. Dư luận cho rằng việc giá vàng tăng cao còn là do ảnh hưởng trực tiếp cả từ biến động cũng tăng cao và thế là theo tính quy luật chung. Riêng về giá nhà đất tăng ở nước ta chủ yếu là do biến động thị trường trong nước, dẫn đến tình hình giá nhà đất ở Việt Nam đã và đang trở thành “đắt nhất” thế giới.

Nguồn: CPV