10 sự kiện kinh tế – xã hội nổi bật trong năm2012
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Kiềm chế lạm phát thành công

Lạm phát được kiểm soát thành công ở mức một con số 6,8% so với gần 19% năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012 chỉ tăng 7% so với cuối năm 2011. Đặc biệt, ngay từ những tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI đã ở mức thấp, khác biệt với xu hướng tăng cao trong năm 2011. Đến tháng 6 và tháng 7.2012 chỉ số này thậm chí còn tăng âm, chỉ tăng trở lại từ tháng 8 đến nay với mức không cao. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp và đạt chỉ tiêu do Nghị quyết của QH đưa ra (8%). Nhưng có thể thấy, giá các loại hàng hóa, sản phẩm giảm không phải do chi phí sản xuất giảm vì thực tế giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất trong năm qua diễn biến phức tạp. Giá tiêu dùng giảm được cho là sức mua thấp khiến doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán, thậm chí để dưới chi phí sản xuất nhằm giảm lượng hàng hóa tồn kho. Nhiều chuyên gia cho rằng, kiềm chế lạm phát thành công và xuất siêu trong năm 2012 không hẳn là tin vui, mà đang thể hiện sự suy giảm sức sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

2. Xuất siêu đạt 284 triệu USD

Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng hơn 18%, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 114,3 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2011. Như vậy, năm nay cả nước xuất siêu 284 triệu USD. Đây là lần đầu tiên nước ta đã xuất siêu từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Và theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, cán cân tổng thể trong năm 2012 có thể đạt mức thặng dư khoảng 10 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với các dự báo được đưa ra. Mức thặng dư này xấp xỉ so với mức cao nhất được lập trong năm 2007 (10,1 tỷ USD) – là thời điểm nước ta có sức thu hút cao nhất với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng có thể thấy, dù chiếm vị trí đứng đầu thế giới trong xuất khẩu một số mặt hàng, thì doanh nghiệp nước ta không quyết định được giá bán mà phụ thuộc vào nhà nhập khẩu. Mặt khác, trong khi kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 24% và chiếm tỷ trọng 53% tổng kim ngạch nhập khẩu, thì nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

3. Tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của QH

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong năm 2012 đạt 5,2% – thấp hơn chỉ tiêu theo Nghị quyết của QH (6%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2006 đến nay, nên Ủy ban Kinh tế cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước thì kinh tế vẫn suy giảm sâu. Năm 2013, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng vẫn gặp nhiều khó khăn, chứa đựng nhiều bất ổn. Hệ quả của một số cơ chế, chính sách sẽ bộc lộ và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong năm 2013. Vì vậy, dù tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ cao hơn năm 2012, thì nhiều ý kiến cho rằng, khó đạt được mức tăng cao đột biến như những năm trước đây, mà chỉ có thể đạt ở mức 5,5%. Song có thể thấy, nếu tăng trưởng kinh tế đạt ở mức dưới 6% thì sẽ khó khăn ở nhiều mặt, nhất là tình hình thu – chi tiếp tục khó khăn.

4. An sinh xã hội được bảo đảm

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, năm 2012, tuy gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ và các địa phương vẫn nỗ lực để bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, đã tạo việc làm cho 1,3 triệu lao động, 184,2 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm mới; 2,1 nghìn người được trợ cấp học nghề. Trước tình hình thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thiệt hại, đặc biệt là tình trạng thiếu đói giáp hạt. Các chính sách chăm sóc người có công đã được triển khai bảo đảm đúng đối tượng chính sách, góp phần nâng cao mức sống người có công, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

5. Hai nút thắt cần sớm được gỡ là hàng hóa tồn kho và nợ xấu

Trong năm 2012, bên cạnh khó khăn từ vốn, thị trường tiêu thụ thì hàng tồn kho cũng là một gánh nặng đối với mỗi doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thu hẹp khiến lượng hàng hóa tồn kho cao. Điều này cộng với lãi suất cho vay cao khiến nhiều doanh nghiệp không trụ vững được phải tạm ngừng hoạt động, phá sản. Doanh nghiệp phải phá sản cũng đồng nghĩa ngân hàng có thêm nợ xấu. Do đó giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu. Trong đó, cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ chung cư. Và đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, mở các đợt bán giảm giá thu hút người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa trong nước.

6. Thị trường vàng có nhiều bất ổn

Khác với diễn biến có nhiều thay đổi trong năm 2011, giá vàng trong năm 2012 đã ổn định hơn. Sự ổn định này có được là do Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đầu mối đại diện Nhà nước để sản xuất vàng miếng là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, thương hiệu SJC. Đó là do Nghị định … yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động vàng từ 25.11.2012. Nhưng cách thức triển khai cũng như công tác tuyên truyền không đầy đủ đã khiến người dân hoang mang. Không chỉ vậy, thị trường vàng tiếp tục có nhiều bất ổn – cả cũ và mới. Bất ổn cũ là giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá bán trên thị trường thế giới, đi ngược lại mục tiêu của Nghị định 24 là bình ổn thị trường vàng trong nước, chống đầu cơ làm giá đối với mặt hàng nhạy cảm này. Bất ổn mới là mỗi ngày người dân có vàng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để kiểm định lại tài sản tài chính mà mình đang nắm giữ. Trong trường hợp bị phát hiện là vàng nhái thì người dân chỉ có thể bán lại cho công ty theo giá vàng nguyên liệu, tức là thấp hơn giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/lượng.

7. Thực hiện những hoạt động cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế

Trước khi Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được QH xem xét tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, thì Chính phủ đã tiến hành nhiều hoạt động để triển khai việc tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công thì Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Bước sang năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo sáp nhập những ngân hàng có thanh khoản yếu, nợ xấu cao vào ngân hàng hoạt động hiệu quả, tiêu biểu là sáp nhập ngân hàng Habubank vào ngân hàng SHB. Hiện các ngân hàng cũng tự tái cấu trúc bằng nguồn lực của mình. Điểm nhấn tiếp theo trong năm 2012 về thực hiện đề án này là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu dừng thực hiện thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Xây dựng và phát triển đô thị (HUD). Hai đơn vị này sẽ chuyển sang hình thức tổng công ty do Bộ Xây dựng quản lý. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề tái cơ cấu và nhiều đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là những bước đi đầu tiên trong hành trình khó khăn, tốn kém của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhưng phải thực hiện và nhất thiết phải thực hiện hiệu quả.

8. Các nhà tài trợ quốc tế cam kết tài trợ 6,485 tỷ USD

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ tháng 12.2012, tổng số vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam năm 2013 đạt 6,485 tỷ USD. Mặc dù số vốn tài trợ giảm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2012 nhưng vẫn cần được ghi nhận. Bởi năm 2012 là năm thứ ba nước ta là nước có thu nhập trung bình, do đó nguồn ODA sẽ bị cắt giảm, thay vào đó sẽ phải vay những nguồn vốn thương mại có lãi suất cao hơn, ít ân hạn hơn. Cũng có thể cho đây là sự chia sẻ, đồng hành của các nhà tài trợ với Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bởi ngay cả nhiều nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia tài trợ, đang lâm vào khủng hoảng nợ công trầm trọng cho đến nay vẫn chưa dứt. Từ năm 2013, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cũng sẽ chuyển sang hình thức Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển. Như vậy, nước ta sẽ chuyển từ vị trí của một quốc gia tìm kiếm nguồn tài trợ sang vị trí của một đối tác phát triển. Khi các nhà tài trợ đã thay đổi cách nhìn về Việt Nam thì lẽ dĩ nhiên cần phải có những hành động thiết thực để khẳng định vị thế này.

9. Tập trung giải cứu thị trường bất động sản

Báo cáo của 58/63 địa phương cho thấy hiện tồn đọng 20.851 căn hộ chung cư, 5.176 căn thấp tầng, 1.890.667m2 đất nền, 64.847m2 văn phòng cho thuê, với tổng số vốn ước tính là 52.542 tỷ đồng. Năm 2012, mặc dù một số doanh nghiệp đã chủ động giảm giá bán căn hộ, thậm chí bán lỗ, có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn không cải thiện được tình hình thị trường. Do đặc điểm của tồn kho bất động sản khác với tồn kho của các sản phẩm công nghiệp khác, nhiều dự án đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng phải dừng do không có đầu ra, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được, nên số vốn tồn đọng trong bất động sản thực tế sẽ cao hơn so với số liệu trong báo cáo. Trước tình hình này, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 của QH đã đưa ra nhiều giải pháp để giải cứu bất động sản.

10. Tiến hành đàm phán nhiều hiệp định thương mại quan trọng

Một dấu ấn quan trọng khác của năm 2012 là khởi động đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Trong đó, có thể kể đến phiên đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc được thực hiện trong tháng 9.2012, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc; phiên đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với khu vực EU được tiến hành trong tháng 10.2012 tại thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, trong năm 2012, các nước thành viên của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương cũng họp trong tháng 10.2012 để tiếp tục đàm phán về các điều ước. Việc tham gia đàm phán ký kết những hiệp định này đều mở ra triển vọng giúp xử lý hàng tồn kho – là một điểm nghẽn của nền kinh tế nước ta hiện nay, thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư. Nhưng để tận dụng được các ưu đãi khi tham gia FTA hay TPP thì doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta phải vượt qua được những hạn chế về trình độ quản lý, công nghiệp phụ trợ, chất lượng lao động…

Thời sự Kinh tế tuyển chọn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân