10 tháng: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 93 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

10 tháng: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 93 tỷ USD

Theo con số từ vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, xuất khẩu 10 tháng tiếp tục tăng trưởng cao so với kế hoạch, chủ yếu do nhóm hàng công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp FDI tăng và sự tăng giá xuất khẩu của hầu hết mặt hàng trong nhóm nhiên liệu, khoáng sản.

Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 17,4% so với tháng 10/2011, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9 và tăng 17,7% so với tháng 10/2011. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong kết quả đó, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) đã lên tới 51,55 tỷ USD, tăng 34,9%.

Trong số các mặt hàng chủ lực về xuất khẩu, dệt may tiếp tục đứng ngôi đầu với giá trị xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD trong tháng 10. Các sản phẩm khác như điện thoại các loại và linh kiện điện tử cũng có kim ngạch khá, đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 10.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định: để đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2013 từ 10%-12% trong bối cảnh khó khăn về thị trường và những mặt hàng xuất khẩu mới chưa có dấu hiệu khả quan thì cần thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xuất khẩu; điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất-nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính theo hướng hỗ trợ tối đa sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.

Vẫn khó khăn cho doanh nghiệp nội

10 tháng đầu năm nay ghi nhận tín hiệu tốt từ các doanh nghiệp khối da giày. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: đa số các doanh nghiệp trong hội đều làm ăn tốt, có lợi nhuận. Lương thực cũng nằm trong số nhóm hàng khả quan. Theo đánh giá của ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thựcViệt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đã có lượng hợp đồng khá lớn đến cuối năm. Hàng tồn kho trong ngành hiện nay cũng không đáng ngại bởi nó nằm trong lượng hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, khi so sánh về tương quan tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nội địa và FDI trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước,  ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Lefaso bày tỏ lo ngại khi toàn bộ các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư thương mại gần 2,5 tỷ USD nhưng doanh nghiệp nội lại nhập siêu lớn. Như vậy, doanh nghiệp 100% vốn trong nước đang ở trong một cuộc đấu không cân sức.

Phân tích cụ thể, ông Thuấn cho rằng, phía sau các doanh nghiệp FDI là các tập đoàn thế giới, các công ty mẹ khổng lồ với các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, nhờ đó sản phẩm của họ có thể “ăn’’ sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm tốt được điều này. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong khi doanh nghiệp nội lại không thể tiếp cận được vốn ngân hàng hoặc phải chịu mức lãi suất quá cao. Cuộc đấu này, doanh nghiệp nội “chưa đá đã thua’’, ông Thuấn lo ngại.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam bày tỏ quan ngại rất lớn nếu dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý Thuế, điều 42 được áp dụng. Theo nội dung sửa đổi, người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng và áp dụng ân hạn nộp thuế chỉ khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (275 ngày đối với nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, 15 ngày đối với hàng hoá  tạm nhập tái xuất, 30 ngày đối với trường hợp khác). Đại diện Lefaso cho hay, nếu quy định này thực thi, chi phí của doanh nghiệp sẽ đội lên 1% khiến giá sản phẩm tăng 0,5-1%, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh trên thị trường.

Thay vì áp dụng quản lý theo cách này, đại diện các hiệp hội ngành hàng kiến nghị, Chính phủ nên quản lý theo cách phân loại doanh nghiệp nợ đọng thuế từ đó có các biện pháp xử lý.

Lê Anh
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam