16.000 người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sẽ có bao nhiêu người được mua?

Chỉ tính từ năm 2004 tới hết 2006, có hơn 81.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, học tập và sinh sống. Trong đó, 25.000 người vào Việt Nam theo các dự án đầu tư, 1.699 người làm việc trong các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế và khoảng hơn 54.000 người sinh sống và làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá thể thao… Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, đa phần thuê nhà để ở, thời gian thuê nhà chủ yếu từ 3-5 năm. Giá thuê nhà được chia làm nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào tiện nghi, diện tích và khu vực thuê. Tại Hà Nội, nếu là nhà ở do tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng, giá cho thuê khoảng từ 1.400 USD- 2.000 USD/1 căn hộ/tháng; nhà ở do tổ chức trong nước đầu tư thì giá thuê khoảng từ 700 USD – 1.000 USD/căn/tháng. Tại TP Hồ Chí Minh, giá thuê đối với căn hộ từ 800 USD-1000 USD/căn hộ/tháng, và 3.000-4.000 USD/tháng đối với biệt thự.

Dự kiến, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo đề án thí điểm về chính sách nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ có 6 nhóm đối tượng người nước ngoài được đề nghị mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: những người vào trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam; những người có công đóng góp với đất nước được tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng hoặc Kỷ niệm chương của TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học được phong học hàm, học vị đang làm việc tại Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá, nghệ thuật; người kết hôn với công dân Việt Nam hiện đang sinh sống tại Việt Nam; người được công nhận Công dân danh dự; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản (được mua một hoặc nhiều nhà để cho những người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó thuê để ở).

Cũng theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, điều kiện để người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là đã cư trú, hoạt động tại Việt Nam từ 1 năm liên tục trở lên và có các giấy tờ chứng minh thuộc các đối tượng được mua nhà ở như: hộ chiếu hợp lệ, giấy chứng nhận đầu tư, thư mời của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, xác nhận thời gian sinh sống tại Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền…; mua nhà để ở cho bản thân và gia đình phù hợp với nơi làm việc, sinh sống và phù hợp với các quy định về cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Và đặc biệt cần phải có giấy chứng nhận được mua nhà ở do cơ quan quản lý nhà ở Trung ương cấp.

Trên cơ sở quy định về điều kiện và đối tượng được mua nhà ở, sự tính toán sơ bộ về số lượng người nước ngoài có đủ điều kiện cư trú từ 1 năm trở lên tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời qua khảo sát sơ bộ về khả năng và nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài thì số lượng người nước ngoài có đủ điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% tổng số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam (khoảng 16.000/81.000). Như vậy, số lượng nhà ở mà người nước ngoài được mua tại Việt Nam theo chính sách thí điểm này là không lớn. Nếu tính bình quân mỗi người được mua 1 nhà ở thì có khoảng 16.000 nhà ở sẽ được bán cho người nước ngoài.

Sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản?

Theo kế hoạch ban đầu, người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được mua và sở hữu nhà sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thí điểm thực hiện từ 3-5 năm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Sau đó, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện cơ chế thí điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng rộng rãi trong toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét đề án, do đây là cơ chế vượt ngoài các quy định của một số luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… nên Chính phủ đã phải trình ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nếu được chấp thuận.

Một nguồn tin cho biết, phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đối với đề án này cũng không đem lại kết quả như mong muốn, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ chưa có quyết nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này. “Nếu như Chính phủ vẫn quyết tâm đề xuất ban hành cơ chế này thì nhiều khả năng sẽ phải trình Quốc hội quyết định vì đây là vấn đề rất nhạy cảm”, nguồn tin cho biết.

Ngoài ra, trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2008 của Quốc hội, hiện không có nội dung xem xét ban hành cơ chế cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình tiến tới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn còn khá dài. Do đó, ít nhất, trong năm 2008, chính sách này chưa thể có tác động sâu rộng tới thị trường bất động sản Việt Nam.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô