2009 : Kinh tế thế giới không sáng sủa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bài viết về triển vọng kinh tế thế giới năm 2009 đăng trên nhật báo “Kinh tế Thụy Sĩ” ra ngày 2/1, WB đã đề cập tới những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đối với mức tăng trưởng GDP tại mỗi khu vực của thế giới và sự suy giảm rõ rệt về tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới, bao gồm cả những quốc gia đang phát triển, hiện vẫn ít bị tác động bởi khủng hoảng.

Các quốc gia phát triển chắc chắn sẽ có một năm tăng trưởng âm. Ông Hans Timmer, trưởng nhóm phân tích các xu thế thế giới thuộc Ban nghiên cứu triển vọng phát triển của WB và các nhà kinh tế khác thuộc WB dự đoán giao dịch thương mại thế giới sẽ giảm 2,1% trong năm 2009.

Đây là sự suy giảm đầu tiên của thương mại thế giới được ghi nhận từ năm 1982. Mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu giảm, điều này không chỉ phản ánh sự giảm mạnh nhu cầu của thế giới, mà cả tín dụng dành cho hoạt động xuất khẩu cũng bị hạn chế.

Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB ước tính mức tăng GDP sẽ giảm xuống 6,7% trong năm 2009. Khu vực này đang gặp khó khăn do sự bán ra ồ ạt cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu và sự sụt giảm mạnh về khối lượng xuất khẩu.

Sự tăng giá lương thực, thực phẩm cũng như xăng dầu đã nới rộng khoảng cách giàu-nghèo, cũng như những nguy cơ ngày càng tăng đối với sự bất ổn trong xã hội.

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây là giai đoạn bùng nổ giá nguyên liệu mạnh nhất, số lượng các nguyên liệu liên quan và đỉnh điểm của giá nguyên liệu phản ánh sức mạnh tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn này.

Mặc dù, giai đoạn tăng giá nhiên liệu đã kết thúc, tuy nhiên, giá nguyên liệu vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu tăng giá của nguyên liệu. Giá nguyên liệu hiện nay cũng như trong 20 năm tới vẫn cao hơn trong những năm 1990.

Mặc dù giá nguyên liệu giảm, song vấn đề cung và cầu nguyên liệu trong dài hạn vẫn là mối bận tâm của thế giới.

Năm 2009 cũng hiện lên khá ảm đạm qua cái nhìn của báo giới. Báo “Le Monde” (Pháp) dự đoán 2009 là một năm đen tối đối với các thị trường chứng khoán, vốn đang trên đà lao dốc trong năm 2008. Theo giới chuyên gia, trong những tháng tới đây, các thị trường châu Âu, Mỹ sẽ còn sụt giảm từ 15% đến 20%. Thị trường châu Á cũng không khả quan hơn và nếu có vươn lên được thì phải từ sau muà hè năm nay.

Trong khi đó, tờ “Le Figaro” bày tỏ tin tưởng vào số tiền khổng lồ dành để vực dậy kinh tế năm nay. Các nền kinh tế lớn của thế giới dường như đã sẵn sàng chống lại nạn suy thoái bằng mọi giá.

Theo “Le Figaro”, thế giới đang chờ đợi kế hoạch cứu trợ hơn 800 tỷ USD của tân Tổng thống Mỹ Obama. Đây là một khoản chi tiêu chưa từng thấy từ năm 1930.

Chính quyền mới ở Mỹ không những muốn cứu nước Mỹ, mà còn muốn tránh cho kinh tế thế giới suy sụp. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phải cần đến 1.200 tỷ USD mới có thể hy vọng chống lại tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh

Hàng xuất khẩu của Việt Nam trong đó có dệt may cũng sẽ chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Phong Cầm

Nền kinh tế Singapore có nguy cơ thụt lùi với tỷ lệ tăng trưởng âm 2% trong năm 2009. Lời nhận định bi quan này của Bộ Thương mại Singapore phản ánh triển vọng không mấy sáng sủa của các nền kinh tế châu Á trong năm 2009, đặc biệt đối với các quốc gia trong thời gian qua đã lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng.

Nguyên nhân thụt lùi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: tình trạng khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt từ tháng 11/2008 đến nay, làm cho mức cầu, mức giao dịch thương mại, mức đầu tư trên thế giới sụt giảm đáng kể.

Là nền kinh tế giàu nhất Đông Nam Á tính theo GDP đầu người, song Singapore lại bị lệ thuộc rất nhiều vào thương mại, vì thế rất nhạy cảm trước các biến động kinh tế ở các quốc gia phát triển.

Ngay từ tháng 10/2008, Singapore đã trở thành nước châu Á đầu tiên bước vào suy thoái. Tình hình ngày càng nặng nề thêm sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới lâm vào khủng hoảng, trong đó có các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Singapore là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản.

Theo chân Singapore, các nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Hồng Công, Nhật Bản và Niu Di-lân cũng rơi vào suy thoái.

Trong cùng một cảnh ngộ tại vùng Đông Nam Á, có thể kể đến Thái Lan. Nếu trước lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế nước này chỉ là 40% mà thôi, thì hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng vọt lên 60%.

Với tình trạng kinh tế khó khăn hơn tại ba thị trường nhập khẩu chủ chốt là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản từ sau khi khủng hoảng tài chính bùng phát, rõ ràng là xuất khẩu của Thái Lan, Singapore và của các nước châu Á khác đều tuột dốc.

Việt Nam đã ghi nhận đà sụt giảm của của xuất khẩu kể từ tháng 7/2008 đến nay. Trong tháng 10/2008, Indonesia đã ghi nhận tỷ lệ giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2007.

Theo TTXVN