5 tháng 2008: Thu hút 15,3 tỷ USD vốn FDI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Quốc Trung cho biết, trong tháng 5/2008, cả nước có 130 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD.

Đầu tư vào dịch vụ – Hướng đầu tư hứa hẹn

Như vậy, 5 tháng đầu năm, nước ta tiếp nhận 324 dự án đầu tư trị giá hơn 14,7 tỷ USD. Tính chung cả vốn đầu tư mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng qua, cả nước đã thu hút thêm 15, 3 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2007. Đáng chú ý, quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 45,4 triệu USD/dự án, mức cao nhất từ trước đến nay.

Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng này, ông Bùi Quốc Trung lý giải, là do có nhiều dự án lớn được cấp phép và nhanh chóng triển khai theo cam kết. Có 16 dự án trị giá từ 100 triệu USD trở lên trong đó có 3 dự án có tổng vốn trên 1 tỷ USD.

Các dự án FDI trong 5 tháng qua được thực hiện chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài.

Với dự án Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) trị giá trên 4,2 tỷ USD, Canada trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay.

Về cơ cấu vùng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã vươn lên đứng đầu 36 địa phương toàn quốc thu hút đầu tư FDI. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2, tiếp theo là Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.

Xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay (trên 80% tổng vốn đăng ký). Theo ông Bùi Quốc Trung, đó là do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của Việt Nam thời gian qua khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tương lai đầu tư đầy hứa hẹn.

Các biện pháp thu hút hơn nữa nguồn vốn FDI

Để tiếp tục đà gia tăng vốn FDI, ông Bùi Quốc Trung cho biết, cần minh bạch hóa chính sách, thủ tục đầu tư, công khai hóa các bước của quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên mạng. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Rà soát, kiểm tra, điều chính quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả đồng thời tập trung thực hiện các hoạt động giải ngân vốn FDI nhằm giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng kiến nghị duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành với các nhà đầu tư nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của những dự án đang hoạt động, từ đó, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư tại Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ