9 nhóm giải pháp cho kinh tế 2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương (trong 2 ngày 25 – 26/12) triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn so với năm 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh và ổn định chính trị – xã hội, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Trong nhóm giải pháp đầu tiên, coi ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của năm 2013. Kế đó là các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng tồn kho. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung thảo luận, hiến kế cho Chính phủ các giải pháp để thực hiện, từ kinh nghiệm thực tế của địa phương.

Dự thảo nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giảm tồn kho và nợ xấu được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày, với 2 nhóm giải pháp. Dự thảo hướng tới mục tiêu giảm giá thành sản xuất cho doanh nghiệp, tiêu thụ được sản phẩm, tiếp cận được vốn.

Cụ thể, trước hết, triển khai các chính sách thuế, phí. Bao gồm: gia hạn 6 tháng thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động gia công, đầu tư – kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, giảm tiền thuê đất của các dự án, thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với bán, cho thuê, cho thuê – mua nhà ở xã hội, cũng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động này, tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở và doanh nghiệp giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng…

Các biện pháp trên cũng góp phần tăng quay vòng vốn, giải quyết nợ xấu, tăng thu ngân sách. Lãi suất tín dụng cũng sẽ tiếp tục hạ, phù hợp với lạm phát. Cùng với đó là hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ đối tượng cho vay, mua nhà xã hội…

Góp ý với Chính phủ, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, để góp phần bình ổn thị trường, bên cạnh gói hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, nên hỗ trợ vốn không lãi suất cho cả những hộ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo chuỗi cung ứng giá rẻ. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nên được kéo dài đến năm 2014, đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ thời gian “hồi sức”. Ông Tưởng cũng kiến nghị, khi Chính phủ ban hành các nghị quyết điều hành, các bộ, ngành nên triển khai nhanh hơn để địa phương có thể lấy đó làm căn cứ xây dựng phương án thực hiện.

Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, vấn đề then chốt trong các biện pháp giải cứu thị trường hiện nay vẫn là vốn. Tuy nhiên, năm 2011 – 2012, các biện pháp điều hành của Chính phủ vẫn mang tính tình thế, chứ chưa chủ động. Những nghị quyết, quyết sách trọng tâm đều ban hành vào giữa năm, là thời điểm khó khăn, nên khó thực hiện.

Còn theo lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, Chính phủ nên chú trọng hơn đến các giải pháp phát triển nông nghiệp một cách cụ thể. Đây là cứu cánh trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cũng là biện pháp giải quyết việc làm, an sinh xã hội hiệu quả ở các tỉnh miền núi. Ngoài ra, phải coi trọng hơn việc trồng và phát triển rừng để giải quyết tốt chiến lược chống biến đổi khí hậu và xóa đói, giảm nghèo. Đi kèm với đó là chính sách phát triển hạ tầng lâm sinh. Chính phủ cũng nên hỗ trợ các địa phương phát triển các thương hiệu cây đặc sản phù hợp với điều kiện.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử