ADB nhận định lạm phát Việt Nam khó tăng cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại lễ công bố báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á 2014 tổ chức sáng 1-4 tại Hà Nội.

Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhẹ, đạt mức 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015. Lạm phát được kỳ vọng giữ ở mức bình quân 6,2% trong năm 2014, và dự báo sẽ ở mức bình quân 6,6% trong năm 2015 khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam Dominic Mellor nói: “Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn thấp, và lạm phát vẫn ở mức một con số. Những rủi ro lạm phát trong ngắn hạn là không nhiều do nhu cầu tiêu dùng còn thấp.”

Theo ông Mellor, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực kích thích tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn chưa đạt được là do phía cầu chứ không phải phía cung. Các ngân hàng khó tìm được doanh nghiệp có khả năng kinh doanh tốt để cho vay. Ngoài ra, do quy mô mở rộng kinh doanh còn thấp nên đã kiềm giữ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

“Khả năng đưa nền kinh tế trở lại tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước bị hạn chế bởi tiến độ thận trọng của cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN”.

Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam

Theo ADB, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định kể từ tháng 4-2011 đã giúp cải thiện các đánh giá, cảm nhận về tiền đồng. Tuy nhiên việc người dân đổ xô mua trữ vàng và ngoại tệ ở một số thời điểm lại cho thấy tâm lý đối với tiền đồng vẫn còn bấp bênh. Giá vàng trong nước cao hơn quốc tế cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi vàng là một kênh quan trọng để phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Mục “sai số và bỏ sót” trong thống kê cán cân thanh toán đã tăng tới mức ước tính 6% GDP trong năm 2013, và theo ADB có lẽ điều này phản ánh khối lượng lớn vàng nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura nhận xét: “Khả năng đưa nền kinh tế trở lại tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước bị hạn chế bởi tiến độ thận trọng của cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN”.

Theo ADB, sau một năm trì hoãn, các chuẩn mực mới về phân loại nợ và dự phòng nhằm tiệm cận các chuẩn mực quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6-2014.

ADB ghi nhận, trong năm 2014, VAMC dự định mua tương đương 4,8 tỉ đô la Mỹ nợ xấu từ các ngân hàng. Một trong những thách thức mà VAMC đang đối mặt là liệu có đủ năng lực để tiến hành các hoạt động tái cơ cấu nợ phức tạp và thực thi nhiệm vụ của mình với số vốn ban đầu chỉ có 24 triệu đô la Mỹ. Các cơ chế hiệu quả để định giá và đấu giá nợ xấu cũng như đấu giá các tài sản thế chấp vẫn chưa được ban hành.

Về cải cách DNNN, chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong hai năm 2014-2015. Nhận định về chỉ tiêu này, Giám đốc ADB Việt Nam Kimura nói: “Mục tiêu đó có vẻ tham vọng, vì trong giai đoạn 2011-2013 chỉ có 99 DNNN được cổ phần hóa”.

Ông phân tích, thị trường chứng khoán trong nước đã tăng và đẩy chỉ số giá cổ phiếu tăng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 8-2013 đến tháng 3-2014. Nhưng tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán vẫn còn khá nhỏ so với lượng vốn cần thiết để đảm bảo sự thành công của chương trình cổ phần hóa. Chính phủ cũng đã chấp thuận việc bán cổ phần dưới mệnh giá, điều này có thể tạo điều kiện cho việc thiết lập giá bán ở mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Ông Mellor nhận xét, trong bối cảnh như hiện nay, khi các nhà đầu tư nước ngoài còn dè dặt, và quy mô thị trường tài chính trong nước còn hạn hẹp, thì chương trình cổ phần hóa DNNN của chính phủ là rất tham vọng. “Chúng tôi vẫn dự đoán dè dặt về chương trình cổ phần hóa DNNN của Việt Nam”, ông nói.

Giải thích thêm điều này, báo cáo của ADB nhận định, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11 năm 2013 tái khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, phần nào gây thất vọng đối với các tổ chức kinh tế và một số chủ thể khác đang kỳ vọng vai trò của khu vực tư nhân sẽ được công nhận rõ ràng hơn trong Hiến pháp mới.

ADB: Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình

>>> Chuyên gia Nhật: “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình”

>>> Việt Nam chưa bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình!

>>> Thất vọng!

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng rủi ro Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn ở phía trước, chứ không phải hiện tại. Ông nói: “Tôi không biết tại sao lại nói Việt Nam đã rơi vào bẫy nhưng quan điểm của tôi là chưa. Cho đến nay, Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

Ông nhận xét, dự báo của ADB là tăng trưởng năm 2014 là 5,6%, năm 2015 5,8% là không quá tồi trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nói chung.

Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng tiềm năng cao hơn dự báo. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc cải cách DNNN, cải cách hệ thống tài chính – ngân hàng, cải thiện hiệu quả đầu tư công. Nếu không làm được điều này thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.