AEON kiến nghị giãn, giảm thuế và chi phí xét nghiệm Covid-19
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kinh doanh khó khăn vì Covid-19, nhà bán lẻ Nhật Bản AEON đã đề xuất giãn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí xét nghiệm Covid-19…

Hàng loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn đã được ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, đại diện cho 8 công ty thành viên trong Tập đoàn AEON, gửi tới lãnh đạo TP.HCM trong cuộc đối thoại mới đây.

Theo ông Furusawa Yasuyuki, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, AEON cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh do thiếu nhân lực vận hành kinh doanh, do người lao động sinh sống trong các vùng cách ly y tế, nghi nhiễm Covid-19; thiếu hụt lực lượng giao hàng (shipper)…

Chưa kể, hiện nay, chi phí cho các hoạt động xét nghiệm Covid-19 là khá cao, trong khi hoạt động của Trung tâm Thương mại – một trong những lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn AEON tại Việt Nam, cùng nhiều đối tác thuê, đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải tạm ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hợp đồng thuê và hiện chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

Vì thế, ông Furusawa Yasuyuki đã kiến nghị kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

“Lộ trình có thể xem xét lùi thời hạn nộp 3 – 6 tháng và áp dụng trong 6 tháng trở lên để đủ nguồn hỗ trợ trong một thời gian phù hợp. Qua đó, các doanh nghiệp có đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất – kinh doanh trong thời gian dịch bệnh”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Bên cạnh đó, AEON cũng đề xuất tăng tỷ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, bên cạnh các chính sách đã được Chính phủ công bố.

AEON cũng đã kiến nghị các cơ quan và đơn vị y tế giảm giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, qua đó giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Furusawa Yasuyuki, hiện tại, các doanh nghiệp đang phải chi trả khoản chi phí rất lớn cho việc xét nghiệm cho nhân viên, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng cả ngàn lao động. “Một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày/ lần, có tháng lên đến 10 lần với phí xét nghiệm hiện tại trung bình từ 1,5-3 triệu đồng/nhân viên”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Ngoài các kiến nghị này, AEON cũng đã kiến nghị tiếp tục hỗ trợ ưu tiên phân bổ và tiêm vắc xin (Mũi 2) cho người lao động đang làm việc tại các hệ thống bán lẻ phân phối hàng hóa thiết yếu tại khu vực TP.HCM.

AEON đã luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, kiến nghị tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, để đẩy nhanh các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty nước, trong đó có AEON, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19 khi nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, lượng hàng cần nhập khẩu theo đó cũng sẽ tăng cao.

“Hiện tại, số lượng hàng hóa lưu kho, ứ đọng, chưa thể nhập khẩu còn rất nhiều do một số đơn vị cơ quan hải quan và hoạt động thông quan đang phải tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp, khả năng tình hình sẽ rất khó khăn cho cả hai phía: cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.

Khó khăn như vậy, song theo khẳng định của ông Furusawa Yasuyuki, AEON sẽ luôn ủng hộ và tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP.HCM, đảm bảo các hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân Thành phố được thông suốt và đẩy đủ, ổn định.

Trong thời gian qua, AEON đã luôn cố gắng đảm bảo đầy đủ nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm với giá cả bình ổn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của người dân. 

Bên cạnh đó, Siêu thị AEON đã triển khai hơn 350 chuyến xe bán hàng lưu động, cung cấp hơn 700 tấn hàng hóa thiết yếu cho người dân tại nhiều quận huyện trên địa bàn TP.HCM.

AEON Việt Nam cũng liên tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành như vải Bắc Giang, nhãn Tiền Giang, thanh long Long An, rau củ quả Đà Lạt…