Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là chưa kể, để vươn tới kịch bản lạc quan này, thì trong năm 2008, các nước bạn hàng của Việt Nam phải có mức tăng trưởng GDP là 4%, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng tới 38%, đồng Việt Nam tăng giá danh nghĩa 2 điểm phần trăm, còn cung tiền tệ tăng ở mức 25%. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới còn đang lắm lo toan như hiện nay, thì xem ra, những con số mang tính điều kiện này có thể vẫn chỉ là mong muốn.

Bày tỏ quan điểm cá nhân tại buổi họp báo công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007 của CIEM vào cuối tuần qua, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập (CIEM), một trong những người chấp bút cho Báo cáo này, cho rằng, ông nghiêng về kịch bản xấu hơn, với GDP chỉ tăng 6,6 – 6,7%. Lý do là, có thể nền kinh tế thế giới không rơi vào khủng hoảng, song vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Trong khi đó, Việt Nam dù đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để giải quyết các vấn đề kinh tế trong ngắn hạn, nhưng việc triển khai trong thực tế còn không ít khó khăn. Kịch bản xấu, nói chính xác hơn là kịch bản bi quan, được các chuyên gia CIEM xây dựng với giả định rằng, tăng trưởng kinh tế của các bạn hàng lớn của Việt Nam chỉ đạt 2,5%, giá dầu thô tăng 20%, giải ngân vốn FDI không tăng so với năm 2007, đồng Việt Nam mất giá danh nghĩa 1 điểm phần trăm, cung tiền tệ tăng 35%.

Trong khi đó, kịch bản thứ ba là kịch bản cơ bản và được xem là gần nhất với mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ mới đề xuất điều chỉnh giảm thời gian gần đây. Với kịch bản này, để có thể đạt được con số tăng trưởng kinh tế 7,2%, thì nhóm các nước đối tác thương mại của Việt Nam phải có mức tăng trưởng 3,5%, giá dầu thô ở mức xấp xỉ 100 USD/thùng, đầu tư từ ngân sách chỉ tăng 10% so với năm 2007, giải ngân FDI tăng 20%; đồng thời, Việt Nam thực thi chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn thông qua chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Dù nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo kịch bản nào trong năm 2008, thì có một điều mà ông Thành lưu ý là, lạm phát và thâm hụt thương mại sẽ vẫn ở mức cao. Theo đó, mức lạm phát trong năm 2008 được dự báo đối với 3 kịch bản lạc quan, bi quan, cơ bản tương ứng là 16,7%, 22,3% và 19,4%. “Có thể sang năm 2009, lạm phát sẽ ở mức 10%, còn năm 2010 sẽ là 5-7%. Đó là kịch bản tốt nhất”, ông Thành nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM cho rằng, không chỉ lạm phát, mà còn có nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Rộng và cao hơn vấn đề lạm phát chính là việc ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản…, nếu phát triển không tốt, cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Chính vì vậy, theo ông Ân, việc thực thi đồng bộ nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra là rất quan trọng.

Các chuyên gia của CIEM cũng cho rằng, bên cạnh các nhóm giải pháp trong ngắn hạn, việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết WTO, cũng như giải tỏa các nút “thắt cổ chai” về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực – những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế Việt Nam – cần tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2008.

Đây chính là những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng và phát triển bền vững ở Việt Nam. “Có 3 nhóm giải pháp quan trọng cần phải thực hiện, đó là gỡ các nút “thắt cổ chai” của nền kinh tế; tăng cường kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô và phối hợp các biện pháp để hạn chế tác động xấu của sự suy giảm kinh tế và các cú sốc kinh tế đến nhóm người nghèo và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác”, ông Thành nhấn mạnh.

Một vấn đề khác, được cho là cực kỳ quan trọng và đã được Chính phủ đề cập nhiều trong thời gian gần đây, chính là chất lượng tăng trưởng. Liên quan đến vấn đề này, ông Ân cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua là một thành tựu, song sự tăng trưởng này lại có đóng góp rất lớn của việc tăng vốn đầu tư, được tính toán là chiếm tới 44% GDP.

“Việt Nam có tỷ lệ vốn đầu tư trong GDP thuộc vào diện cao trong khu vực. Ở nhiều nước khác, tỷ lệ này chỉ là 30-40%, trong khi ở Việt Nam là 44%, vượt so với mức dự kiến 40,6%. Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng. Chúng ta đã nỗ lực tăng năng suất lao động, đảm bảo tăng trưởng bền vững, nhưng có một thực tế là, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, nên chất lượng chưa cao, vẫn phải dựa vào tăng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế”, ông Ân nói.

Như vậy, trong ngắn hạn, các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết, song về lâu dài, không thể thiếu các chiến lược để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

 Nguồn:  Báo Điện tử Đầu tư