Ba áp lực của điều hành tỷ giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cùng với đó, lòng tin vào đồng nội tệ của Việt Nam được nâng cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lùi một bước. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, với mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho năm 2014, tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 7%, chính sách tỷ giá cơ bản sẽ được điều hành một cách ổn định như trong thời gian vừa qua. Đó là ổn định tỷ giá, thực hiện linh hoạt các biện pháp đối với thị trường ngoại hối, tích cực nâng cao dự trữ ngoại hối, giảm dần tình trạng đôla hóa cũng như vàng hóa nền kinh tế và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng linh hoạt trong chính sách tỷ giá nhưng phải làm sao để khi có điều chỉnh sẽ không gây sốc cho nền kinh tế. Và việc này sẽ phải được nhà điều hành cân nhắc thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường ở từng thời điểm. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN Nguyễn Quang Huy, để linh hoạt hóa tỷ giá mà không để lại hệ quả xấu cho nền kinh tế thì cần một số tiền đề như NHNN phải làm chủ thị trường tiền tệ một cách vững chắc, có thể điều hành lãi suất tương đối chủ động, đặc biệt là lãi suất ngắn hạn. Cùng với đó, thị trường cần áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá. Hiện nay trên thị trường, việc áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Dù đã gặt hái được những thành công trong điều hành tỷ giá thời gian qua nhưng trong giai đoạn tới, chính sách tỷ giá vẫn đối mặt với ba áp lực lớn. Đó là sự mất cân đối cung cầu, hiện tượng đầu cơ và áp lực từ yếu tố tâm lý bất ổn của người dân. Vấn đề của người điều hành là phải xác định được khi thị trường có áp lực thì xuất phát từ đâu để đưa ra các giải pháp phù hợp. Nếu từ mất cân đối cung cầu thì khả năng điều chỉnh là lớn, nếu xuất phát từ tâm lý và đầu cơ thì có thể áp dụng những giải pháp khác.

Ở cương vị đứng đầu Vụ Quản lý ngoại hối, ông Nguyễn Quang Huy dường như rất thấm thía những khó khăn, áp lực khi phải bảo đảm mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Theo ông, điều hành tỷ giá là việc rất khó vì tỷ giá vừa là công cụ, vừa là mục tiêu điều hành và khi đã là công cụ thì nó gánh trên mình rất nhiều yêu cầu liên quan đến tăng dự trữ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn. Vì vậy, điều hành tỷ giá đòi hỏi nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa ra quyết định.

Đỗ Huyền
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân