Bài toán nan giải
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù nhiều ngân hàng cổ phần cho rằng, NHNN nên xem xét lại để các ngân hàng có thêm thời gian thu hồi nợ những hợp đồng kỳ hạn 12 tháng trở lên đã được ký với nhà đầu tư trước khi Chỉ thị 03 được ban hành, nhưng ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, Thống đốc NHNN vẫn quyết định áp dụng các quy định đã đưa ra trong Chỉ thị 03.
Lý do được phía NHNN đưa ra là, trên thực tế, qua kết quả thanh tra của NHNN tại một số ngân hàng cổ phần, vẫn tiếp tục giải ngân vốn cho nhà đầu tư vay cầm cố trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10. Mặt khác, quyết định áp dụng mức 3% dư nợ trong cho vay cầm cố đối với các ngân hàng cổ phần đã được NHNN khảo sát kỹ trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp với NHNN vào chiều 7/11, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, hiện ACB thực sự gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ đối với những hợp đồng kỳ hạn 1 năm đã ký với nhà đầu tư kể từ cuối tháng 5/2007. Theo ông Hải, tính đến tháng 6/2007, dư nợ cho vay cầm cố của ACB đạt mức trên 11%. Sau 4 tháng áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ, đồng thời ngưng cho vay cầm cố chứng khoán, ACB cũng chỉ giảm dư nợ cho vay cầm cố xuống mức 8%.
“Chúng tôi mong muốn NHNN có biện pháp nào đó để hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu hồi nợ vay. Ngoài việc thuyết phục, chúng tôi không còn cách nào khác tốt hơn để thu hồi nợ, đáp ứng yêu cầu của NHNN. Thực tế, nhiều khách hàng không đủ khả năng trả nợ ngay”, ông Hải nhấn mạnh và cho rằng, NHNN nên áp dụng mức dư nợ cho vay cầm cố là 5% trên tổng tài sản của mỗi ngân hàng hoặc xét từ góc độ quy mô, quản lý rủi ro của từng nhà băng để đưa ra tỷ lệ áp dụng cụ thể.
Theo ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB), hệ số an toàn trong cho vay cầm cố chứng khoán luôn được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ, vì nếu chỉ số này tăng cao sẽ làm gia tăng tỷ lệ rủi ro vốn của hệ thống ngân hàng. Với VAB, ông Hưng cho biết, tuy đã cố gắng hết sức để điều chỉnh, nhưng đến nay dư nợ cho vay cầm cố của Ngân hàng cũng chỉ giảm xuống dưới mức 10% và nhiều khả năng đến hết tháng 3/2008 vẫn ở trên mức 5%. Trước khi Chỉ thị 03 được ban hành, dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán của VAB lên đến con số 24%.
“Chúng tôi đã thực hiện đúng theo yêu cầu của NHNN là ngưng cho vay và tăng tốc thu hồi nợ. Nhưng kẹt một nỗi, nhiều hợp đồng kỳ hạn 1 năm đã được ký với khách hàng trong tháng 5/2007. Như vậy, phải đến hết tháng 5/2008, Ngân hàng mới có thể thu hồi nợ vay”, ông Hưng lý giải.
Theo đại diện các ngân hàng cổ phần đang có tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố vượt mức cho phép, nếu NHNN quyết liệt trong việc thực hiện Chỉ thị 03 và yêu cầu họ thu hồi nợ để đảm bảo mức 3%, thì nên đưa có một công văn cụ thể. Theo đó, các ngân hàng mới có cơ sở để yêu cầu những khách hàng đã ký hợp đồng 1 năm trả nợ cho ngân hàng.
Là lãnh đạo của một trong những nhà băng có hạn mức dư nợ cầm cố cao nhất hiện nay, ông Trương Anh Minh, Chủ tịch HĐQC Ngân hàng TMCP Thái Bình Dương (Pacific Bank) cho biết, quy định của NHNN chắc chắn phải được thực hiện. Tuy nhiên, NHNN nên cho phép các ngân hàng cổ phần lùi thời hạn thu hồi nợ đối với những hợp đồng kỳ hạn 1 năm ký với nhà đầu tư trước khi Chỉ thị 03 ra đời.
Ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, mục tiêu của NHNN khi thực hiện quyết liệt Chỉ thị 03 là giảm bớt tiền trong lưu thông, kiềm chế lạm phát. Hiện tổng vốn dư nợ cho vay cầm cố đối với các ngân hàng cổ phần trên địa bàn đã lên đến 4.407 tỷ đồng. Nếu các ngân hàng cổ phần không thu nợ đúng hạn trước ngày 31/12, con số trên sẽ cao hơn. Vì vậy, tinh thần của NHNN là bằng mọi cách phải giảm tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố xuống dưới mức 3%. Theo đó, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp chế tài, như thu hồi các giấy phép con trong hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, theo ông Hạnh, NHNN cũng yêu cầu những ngân hàng đã điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố xuống mức 3% tạm thời không được giải ngân thêm vốn cho nhà đầu tư.

Theo Báo Đầu tư