Ban hành danh mục điều kiện đầu tư: Nhà đầu tư phải chờ tới bao giờ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dù đánh giá cao sự ra đời của Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014, ông Trần Anh Đức – đại diện nhóm Thương mại và Đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 – không giấu vẻ thất vọng về sự chậm trễ ban hành danh mục điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. “Để nâng cao tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật và bảo đảm thực hiện những cải cách quan trọng của Luật Đầu tư về vấn đề này, chúng tôi đề nghị khẩn trương công bố danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư,” ông Đức nói.

Yêu cầu của ông Đức trong cuộc đối thoại thường niên giữa doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ không có gì là quá đáng, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài đang hàng ngày mong ngóng danh mục đó được ban hành. Nhưng bản thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng phải thừa nhận, đó là một yêu cầu khó thực hiện một sớm một chiều. “Cái này hiện đại, minh bạch nhưng vô cùng khó làm. Vì nó tốt như vậy, mong đợi và kỳ vọng của doanh nghiệp là rất lớn. Chính vì vậy, khi Chính phủ chậm ban hành thông tư hướng dẫn, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu từ các hiệp hội doanh nghiệp,” ông Vinh nói.

Mâu thuẫn giữa luật trong nước và cam kết quốc tế

Cái khó mà ông Vinh đề cập đến ở đây là những điểm bất đồng giữa những quy định của Luật Đầu tư mới và các quy định Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Cụ thể, trong danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có 72 ngành, nghề pháp luật Việt Nam đã qui định về điều kiện đầu tư và kinh doanh, 46 ngành nghề điều ước quốc tế đã quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, 128 ngành nghề chưa qui định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và 21 ngành nghề chưa qui định cả điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh. Kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 35 ngành, nghề trong điều ước quốc tế qui định hạn chế mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng pháp luật Việt Nam lại không hạn chế. Đây là điểm khó mà ông Vinh nói chưa thể dung hòa được trong danh mục điều kiện đầu tư sẽ ban hành trong tương lai. “Dường như luật của chúng ta đã thông thoáng hơn cả những quy định cam kết trong nhiều hiệp định thương mại,” ông Vinh bình luận. Thực tế thì kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa phản ánh đầy đủ sự khác biệt giữa các quy định trong nước và cam kết quốc tế. Hiện tại Việt Nam đã ký kết khoảng 10 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Và sắp tới sẽ là những hiệp định mới như TPP hay các hiệp định giữa Việt Nam và EU mới được ký kết gần đây có hiệu lực. Như vậy, sẽ lại phải mất một quá trình tiếp tục rà soát thêm hai hiệp định này để tìm ra sự khác biệt về điều kiện đầu tư.

Vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra với các ngành nghề có điều kiện khác chưa có lời giải. Ví dụ, quy định pháp luật trong nước đưa ra điều kiện kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh là đối với một bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 30 giường bệnh trở lên, còn bệnh viện chuyên khoa phải có ít nhất 20 giường bệnh. Nhưng quy định về điều kiện kinh doanh này trong các hiệp định thương mại tự do thì vẫn chưa được rà soát. Liệu có phải điều chỉnh những điều kiện này hay không và điều chỉnh như thế nào vẫn còn là câu hỏi. Đúng ra, danh mục trên đã phải được ban hành từ trước thời điểm Luật Đầu tư mới có hiệu lực, tức là trước ngày 1/7/2015. Ngay từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có công văn hối thúc các bộ, ngành có liên quan cùng rà soát và cho ý kiến về danh mục các điều kiện đầu tư. Câu hỏi bây giờ là khi nào thì danh mục sẽ được hoàn tất và ban hành? Bản thân Bộ trưởng Vinh cũng không thể đưa ra một lời hứa cụ thể để làm được điều này cần phải có sự phối hợp giữa rất nhiều nhiều bộ, ngành.

Thiếu vắng danh mục đầu tư thì cánh cửa dành cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn hẹp

“Chúng tôi đã mất nhiều tháng để làm điều này, nhưng nhiều bộ, ngành vẫn chưa làm được”, ông Vinh nói và giải thích chính vì vậy mà khi Nghị định 118/2015/NĐ-CP ra đời tháng 11 vừa qua, nhưng danh mục điều kiện đầu tư vẫn chưa được ban hành. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có thể hứa rằng danh mục điều kiện kinh doanh cho một số ngành nghề sẽ được giải quyết khi Nghị định 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực cuối tháng 12 này. Nhưng phần lớn ngành nghề còn lại sẽ vẫn còn bị vướng mắc. Có lẽ, việc rà soát lại những điểm khác biệt về quy định điều kiện đầu tư giữa luật pháp trong nước và cam kết quốc tế là “khó” đối với nhiều bộ, ngành, giống như lời Bộ trưởng Vinh nói.

Cửa vẫn hẹp

Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các bộ, ngành có liên quan, vẫn tiếp tục rà soát, mà chưa biết đến bao giờ mới xong, các nhà đầu tư dần cảm thấy nản lòng khi phải chờ đợi đến mỏi mòn. “Luật đã mở thông thoáng hơn, nhưng điều chúng tôi lo ngại nhất là thực thi và chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn luật đang dần thành sự thật,” ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, nói.

Dù tính đến thời điểm này, đã có 3 nghị định và 6 thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đã được ban hành, nhưng nếu vẫn thiếu vắng danh mục đầu tư nên cánh cửa đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực vẫn rất hẹp. Không chỉ vậy, mục đích thu hút thêm nhiều dòng vốn nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước của Chính phủ cũng khó thực hiện.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, việc Chính phủ chưa công bố danh mục điều kiện đầu tư đã làm vô hiệu hóa phần lớn quy định về tăng sở hữu nước ngoài mới được nâng lên tại các doanh nghiệp trong nước.

Linh Ngọc

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp