Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2007: Xuất hiện Xu hướng tự thải loại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù đưa ra một góc nhìn không mấy lạc quan về năng lực tài chính của phần lớn các doanh nghiệp (DN) trong 6 ngành được nghiên cứu, gồm sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; dệt may; xây dựng; du lịch; dịch vụ ngân hàng, hoạt động của các quỹ và chứng khoán; bảo hiểm của Việt Nam, song Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2007 ghi nhận, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đều có khả năng thanh toán tốt các khoản nợ ngắn hạn.

Thậm chí, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của các DN quy mô nhỏ lại có dấu hiệu tốt hơn nhiều so với các DN lớn. Tính thanh khoản của hàng hóa tồn kho trong các DN nhỏ cũng rất tốt và cao hơn nhiều so với các DN có quy mô lớn. Không những thế, ở một số ngành, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, các chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện rằng, tài chính dành cho đổi mới công nghệ, các hoạt động R&D cũng như nâng cao trình độ của lao động trong DN chủ yếu từ nguồn vốn tự có.

Ở đây, yếu tố linh hoạt của các DNNVV tiếp tục cho thấy đây thế mạnh trong bối cảnh thị trường đang có những diễn biến phức tạp. Mặc dù thời điểm nghiên cứu là năm 2007, khi tình hình thị trường chưa thể hiện những biến động lớn như hiện nay, song ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, những dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện vào cuối năm ngoái và sự linh hoạt của DNNVV có thể đã tạo nên khả năng thích ứng cao cho DNNVV khi các biến động thực tế xảy ra.

Tuy nhiên, theo phân tích các chỉ số lợi nhuận, thì tỷ suất lợi nhuận âm của các DN dệt may trong suốt giai đoạn phân tích (2000-2006), cũng như tình hình kinh doanh thua lỗ liên tục của các DN nhỏ, trừ các DN trong ngành dịch vụ ngân hàng, cho thấy tín hiệu cảnh báo về chiều hướng khó khăn đã xuất hiện khá sớm.
Có lẽ đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của việc tỷ lệ các DN “biến mất” sau đăng ký có xu hướng tăng cao hơn.

Tính đến năm 2007, trong số hơn 307.000 DN đăng ký, số còn hoạt động đến ngày 31/12/2007 là trên 182.000 DN. Khuynh hướng sản xuất – kinh doanh trong các DN nhỏ bắt đầu giảm xuống sau khi tăng mạnh, cùng với sự phát triển chung của các nền kinh tế cũng như của các ngành được phân tích. Ngành có số DN rời bỏ lớn nhất thuộc về xây dựng và sản xuất thực phẩm với tỷ lệ là 30%, tiếp đó là dệt may và du lịch với tỷ lệ 10%.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong ngành xây dựng, nhu cầu lớn về vốn cho các công trình xây dựng có quy mô, cùng tỷ lệ thành khoản thấp đã không mấy thu hút sự tham gia của các DN nhỏ. Các ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm tuy vẫn có sức hút, song tỷ lệ DN đủ điều kiện tham gia lại không cao.

Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến những dấu hiệu chững lại về lượng lao động làm việc trong các ngành sản xuất thực phẩm và đặc biệt trong ngành xây dựng xuất hiện. Do vậy, mặc dù vẫn tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nhưng nghi ngại về sự suy giảm lao động làm việc trong những ngành này là điều đáng quan tâm.

Rất có thể, các kế hoạch phát triển, mở rộng DN đã không đủ điều kiện cần thiết để thực hiện.
Cần khẳng định rằng, xu hướng tự thải loại khi không thể cạnh tranh hoặc chuyển lĩnh vực đầu tư trong các DNNVV của Việt Nam hoàn toàn mang tính tích cực và theo đúng quy luật. Thậm chí, ông Lộc cho rằng, con số 50% DN bị thải loại của Việt Nam không phải là một tỷ lệ cao.

“Ở Mỹ, con số DN rời bỏ thị trường sau một năm hoạt động lên tới 80%. Và điều này là hoàn toàn bình thường. Sự ra đi của các DN không đủ năng lực cạnh tranh đồng nghĩa với việc cửa mở thêm cho các DN đủ sức khoẻ”, ông Lộc phân tích và cho rằng, điều cần phải quan tâm hơn là các quy định pháp luật để DN phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh một cách minh bạch và thuận lợi nhất.

Nguồn: Báo Đầu tư