Bảo đảm quyền bầu cử của công dân 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Từ ngày 14.4.2021, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các địa phương đều đã tiến hành niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và tại các địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách cử tri để Nhân dân kiểm tra. Tuy nhiên, việc bổ sung, điều chỉnh danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu sẽ được tiến hành cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Chính vì vậy, các tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là tại các địa bàn có đông khu công nghiệp, đông dân di cư tự do, cử tri chưa đăng ký thường trú/tạm trú… cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo đảm tối đa quyền bầu cử của công dân.

Quyền bầu cử của công dân chưa đăng ký thường trú, tạm trú

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: “Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, về nguyên tắc, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Tuy nhiên, trên thực tế luôn phát sinh các tình huống khiến cử tri không thể tham gia bầu cử tại địa bàn thường trú hoặc tạm trú hoặc thậm chí có những công dân là người di cư tự do, chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa phương sinh sống… Vì thế, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn khá cụ thể đối với các nhóm cử tri “đặc thù” này để bảo đảm tối đa quyền bầu cử của cử tri.  

<img alt=" Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng ngày 13.4 Ảnh: Trung Thành" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng ngày 13.4
Ảnh: Trung Thành

Ở một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có một số lượng khá lớn người di cư tự do sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương do nhiều lý do khác nhau.

Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của cử tri là người di cư tự do, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia từ cuộc bầu cử năm 2016, UBND cấp xã cần thông tin cho cử tri trên địa bàn biết về cách thức thực hiện quyền bầu cử và việc lập danh sách cử tri để cử tri quyết định nơi mình đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể là trở về nơi cử tri đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

Trường hợp cử tri vẫn có nguyện vọng được thực hiện bầu cử tại địa phương nơi đang sinh sống thực tế thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên cử tri vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng nơi họ đang sinh sống thực tế và thực hiện quyền bầu cử như đối với cử tri là người tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng. UBND cấp xã tổ chức để cử tri là người di cư tự do chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của địa phương được xác định trên cơ sở các thôn, bản, cụm dân cư hiện có trên địa bàn.

Thông tin để cử tri biết

Trường hợp cử tri đã đăng ký thường trú ở địa phương, nếu đã làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì được coi là không thường trú tại địa phương. UBND cấp xã tại nơi công dân đăng ký thường trú không ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri. Trong trường hợp này, công dân có quyền đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đang tạm trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi tạm trú.

Danh sách cử tri được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) Nguồn: ITN
Danh sách cử tri được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội)
Nguồn: ITN

Trường hợp cử tri trở về nơi thường trú trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú để đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú ở địa phương nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì dù trên thực tế đã vắng mặt dài ngày ở nơi thường trú, UBND cấp xã vẫn phải ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri để họ thực hiện quyền bầu cử ở địa phương, trừ trường hợp bản thân cử tri hoặc người thân của cử tri đó đã thông báo nguyện vọng của cử tri về việc không tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Đồng thời cần có biện pháp thông tin phù hợp để cử tri biết về việc danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử của mình.

Một thực tế từ các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, cử tri là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là công nhân khu công nghiệp thường có mong muốn được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu là cơ sở giáo dục hoặc nơi có khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp để tiện cho việc tham gia bỏ phiếu. Về nguyên tắc, cử tri là sinh viên, công nhân vẫn phải đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Tuy nhiên, theo Hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, trường hợp trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là cán bộ, giáo viên, sinh viên, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp có quyền xin cấp giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.

Đối với những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày danh sách cử tri được niêm yết cho đến ngày bỏ phiếu, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri (ví dụ như đi công tác, đi học, du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thăm thân…) thì có thể xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, UBND cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Trường hợp người đã được ghi tên vào danh sách cử tri ở 1 khu vực bỏ phiếu nhưng gần đến ngày bầu cử được chuyển đi cách ly y tế tập trung ở địa phương khác cho đến hết ngày bầu cử theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và không thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để đi bỏ phiếu ở nơi khác như đã nêu ở trên thì UBND cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động cấp giấy chứng nhận và gửi đến UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để đề nghị bổ sung người này vào danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri mới nhằm giúp họ thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật. UBND nơi đã lập danh sách cử tri ban đầu có trách nhiệm cập nhật vào danh sách cử tri cùng dòng với họ và tên của người bị đưa đi cách ly tập trung nội dung ghi chú “bỏ phiếu ở nơi khác do cách ly y tế”.

Mặc dù đến nay, việc rà soát, lập danh sách cử tri đều đã được các địa phương tiến hành chu đáo, bám sát tình hình thực tiễn công dân sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên, từ nay cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, các tổ chức phụ trách bầu cử ở cơ sở, đặc biệt là ở các địa bàn có đông người dân di cư tự do, đông sinh viên, công nhân… cần chú ý rà soát kỹ việc di biến động của công dân, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để cử tri nắm rõ các quy định pháp luật về quyền bầu cử và các điều kiện thực hiện quyền bầu cử của mình, tiếp tục rà soát, hướng dẫn để công dân, nhất là những nhóm “đặc thù” như đã nêu ở trên để họ thực hiện quyền bầu cử, bảo đảm tối đa quyền của cử tri trong việc bầu chọn ra những đại biểu xứng đáng nhất tham gia cơ quan dân cử các cấp.