Báo động gia tăng đường kính nhập lậu!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đường ngoại hạ “đo ván” đường nội

Tại An Giang, “cơn lũ” đường kính nhập lậu chảy nhiều nhất qua cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú), bằng cả đường thủy và đường bộ đổ về thị xã Châu Đốc, ước tính mỗi ngày tới 200-300 tấn. Tuy nhiên, điểm tập kết chính ở các tỉnh phía Nam là thị trấn Thốt Nốt, huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Dân buôn lậu luôn luôn thay đổi vị trí tập kết, luồn lách bằng những ghe nhỏ, qua vườn dân, ngõ hẻm… nên rất khó phát hiện. Nhằm đối phó với lực lượng chức năng kiểm tra, dân buôn còn đóng đường Thái Lan vào các loại bao đường trong nước, trà trộn với đường nội địa bán ở biên giới, thâm nhập vào nội địa dưới hình thức đường kính mang bán ở biên giới không hết phải mang trở về.Còn ở Lao Bảo (Quảng Trị), đường lậu Thái Lan từ bên Lào theo dòng sông Sê Pôn chạy về bến Duy Tân và Tân Long. Mỗi ngày có tới 15-20 chuyến đò máy, ước khoảng 50-70 tấn đường nhập lậu/ngày.Đường nhập lậu không phải chịu thuế nên giá bán thấp hơn đường kính trong nước từ 100.000 đến 200.000 đ/tấn (khoảng 700.000- 750.000 đ/tấn). Hiện nay, mặc dù các tỉnh ĐBSCL đang vào cuối vụ sản xuất mía đường 2007- 2008 nhưng giá đường vẫn không tăng. Hiện giá của các đại lý bán đường kính dao động khoảng 8.000- 8.500 đ/kg.

Cũng do giá đường nhập lậu thấp nên đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước, một số nhà máy đường đã chịu thua lỗ. Theo Hiệp hội Mía- Đường Việt Nam, các nhà máy đường trong nước đang “ngụp lặn” với việc giải bài toán ổn định vùng nguyên liệu, kìm giữ giá thành sản xuất… Tất cả như dồn đẩy thân phận hạt đường “nội” vào tình thế vô phương cứu vãn. Vừa qua, các nhà máy đường tại ĐBSCL đã họp thống nhất giảm giá mua mía nguyên liệu khoảng từ 600.000 đ/tấn xuống 520.000 đ/tấn. Với mức giá trên, sau khi trừ mọi chi phí, người nông dân trồng mía không còn lãi, vì thế đã có tình trạng phá bỏ mía để trồng cây khác.

Bất lực với đường nhập lậu

Việc tìm ra con đường căn cơ nhất chống đường lậu xâm nhập rất khó khăn. Bởi thực tế việc vây bắt, ngăn chặn gần như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của lực lượng kiểm soát biên giới. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành về hàng hóa nhập lậu, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại Kiên Giang mới phát hiện được 21 vụ khoảng 5 tấn, còn ở An Giang trên 12 tấn, rất nhỏ so với số lượng nhập lậu.

Anh Nguyễn Văn Sức- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khánh Bình (An Giang)- cho biết: Việc nhập đường lậu thường diễn ra rất chớp nhoáng trên mặt sông vốn chỉ rộng 20 mét, trong khi đó, do đặc thù của dòng chảy, chúng tôi chỉ có quyền kiểm soát được 1/3 mặt sông Bình Di. Vì vậy, để phát hiện đã khó, nhưng để vây bắt quả tang còn khó hơn”.

Ông Nguyễn Ái Việt- Chi Cục trưởng Chi cục QLTT An Giang- cũng cho hay: Kiểm tra, phát hiện, có kho chứa hàng trăm tấn đường Thái Lan, nhưng không thể làm gì được vì họ đã thủ sẵn mọi thủ tục hợp pháp cần thiết”. Được biết, ngoài việc khoác lên mình chiếc áo giả hiệu đường nội, họ còn dùng hoá đơn bán hàng bị tịch thu hoá giá, hay giấy xuất kho của một nhà máy đường trong nước nào đó…

Trước tình trạng đường lậu ào ạt đổ vào Việt Nam, ông Trịnh Minh Châu- Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng- tỏ ra rất bức xúc: Việc mua bán đường nhập lậu tại thị xã Châu Đốc diễn ra gần như công khai, đã tồn tại từ nhiều năm nhưng không bị xử phạt, đây quả là điều vô lý, thật khó hiểu.Hiệp hội Mía- Đường Việt Nam đã có công văn gửi Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), khẳng định: Đường nhập lậu, không chịu thuế nên giá bán thấp hơn đường trong nước đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với đường trong nước. Vì thế, hiệp hội đề nghị sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn kịp thời để bảo vệ người nông dân và các DN sản xuất đường vừa mới thoát ra khỏi khủng hoảng mía đường những năm vừa qua.Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Muốn chống đường lậu căn cơ nhất là phải cải tiến chất lượng và giá bán, những bài học từ mặt hàng mỹ phẩm, hàng điện tử… là minh chứng.

Các mặt hàng điện tử, mỹ phẩm của Việt Nam sau thời gian được cải thiện không chỉ chấm dứt được tình trạng nhập lậu mà ngược lại, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước còn xuất ngược lên. Trong khi đó, mãi đến nay các nhà máy đường trong nước vẫn đang “ngụp lặn” ở ngay vạch xuất phát với khâu tạo vùng nguyên liệu thì đến bao giờ đường nội mới có thể “thắng” được đường ngoại?Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần khẩn trương, tích cực triển khai ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường, hạn chế thất thoát thuế cho ngân sách và thực hiện lộ trình bảo hộ sản xuất trong nước.
 
Nguồn: Báo điện tử Công thương