“Bão” giá gạo và nguy cơ sốt ảo, trục lợi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá gạo tăng đột biến, không đủ hàng để bán

Chị Thanh Hương, nhà ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) sáng 27/4 đi chợ Trương Định để làm “bữa ăn tươi” cho gia đình ngày nghỉ cuối tuần đã ngỡ ngàng trước giá gạo tăng gấp đôi.

“Tuần trước giá gạo tẻ Bắc Hương thường mới 8.000 đồng nay đã lên tới 15.000 đồng/kg. Băn khoăn hỏi các tiểu thương thì được “chia sẻ”: hôm qua có 13.000 đồng/kg thôi, mua ngay đi không thì mai lên 20.000 đồng/kg đấy” – chị Hương cho biết.

Tình hình giá gạo ở TPHCM cũng diễn biến tương tự. Giá gạo tẻ, loại gạo bình dân nhất, rẻ nhất đã lên đến 10.000 đồng/kg, thậm chí một số cửa hàng còn bán giá 11.000 đồng/kg. Các loại gạo đặc sản còn tăng kinh khủng hơn, lên đến 17 – 20.000 đồng/kg.

Rất nhiều tiểu thương, siêu thị TPHCM đã không bán gạo với số lượng lớn mà chỉ bán 10 – 20 kg cho người dân mua về ăn ngay.

Mặc dù đang vào vụ thu hoạch và được mùa nhưng giá lúa gạo tại Lâm Đồng đang tăng lên. Giá bán lẻ gạo tẻ tại thành phố Đà Lạt ngày 26/4 là 11 – 12.000 đồng/kg, tăng bình quân 2,5 – 3.000 đồng/ kg so với ngày 25/4.

Chủ một đại lý phân phối gạo lớn nhất Đà Lạt trên đường Trần Hưng Đạo cho biết suốt một tuần qua, giá gạo tăng liên tục và ngày 26/4 tăng đột biến khoảng 35% so với 25/4. Hiện tại đại lý này cũng chỉ bán 50 – 100 kg/khách. Chủ đại lý này dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung gạo từ các tỉnh ĐBSCL thông báo “hết gạo”.

Tại TP Cần Thơ, nhiều cơ sở bán gạo tại các chợ Xuân Khánh, Tân An, An Lạc, Trung tâm Thương mại Cái Khế… cũng đồng loạt tăng giá trong ngày 26/4. Giá gạo đã tăng từ 500 đến 3.000 đồng/kg cho nhiều loại gạo trong đó giá gạo thơm chợ Đào đã tăng đến gần 20.000 đồng/kg.

  

Dân đổ xô mua gạo tại TT Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Tại Sóc Trăng , Bạc Liêu, Cà Mau… nhiều cơ sở bán gạo nhỏ phải đóng cửa vì giá gạo biến động quá nhanh. Chủ cơ sở Minh Thành ở TP Sóc Trăng nói trong ngày 26/4, theo giá thị trường, tôi cũng phải tăng giá trung bình khoảng 2.000 đồng/kg tuy nhiên vẫn không có gạo để bán.

Cả nông dân và doanh nghiệp đều “ghim” hàng

Chị Nguyễn Thị Tư, chủ một đại lý gạo tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: “Từ tuần trước, các nhà máy đã bắt đầu tăng giá gạo cung cấp cho chúng tôi. Hiện họ thông báo sẽ tạm ngưng cung cấp hàng nữa vì thiếu nguồn lúa nguyên liệu”.

Chị Tư cho biết dù đã đặt cọc giá gạo 12.500 đồng ký nhưng muốn có gạo vẫn phải trả cho nhà máy với giá cao hơn nhiều.

Theo tìm hiểu của Dân trí, yếu tố làm cho giá gạo tăng chóng mặt như hiện nay là do nguồn cung lúa nguyên liệu đang giảm do nông dân “ghim” hàng chờ biến động giá. So với tuần trước, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã tăng từ 300 – 400 đồng/kg. Giá lúa dài thường tại ĐBSCL hiện ở mức 4.500 – 4.600 đồng/kg (lúa khô), 4.000 – 4.200 đồng/kg (lúa ướt).

Nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường đang giảm, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh thu mua khiến giá lúa gạo tăng mạnh. Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, Quản đốc Xí nghiệp chế biến lương thực Mỹ Khánh (Công ty Mekong Cần Thơ) cho biết: “Khoảng 1 tuần qua, các doanh nghiệp đã đồng loạt thu mua tích trữ làm giá lúa gạo tăng lên từng ngày”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự kiến trong năm 2008, Việt Nam chỉ xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ (giảm 1 triệu tấn so với năm 2007).

Đến nay các hợp đồng xuất khẩu gạo do các doanh nghiệp ký kết ở mức 2,4 triệu tấn. Vì vậy tình hình khan hiếm ảo để đầu cơ trục lợi trên thị trường nội địa hiện nay rất cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan quản lý để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nguồn:  Báo Điện tử Dân trí