Bảo hiểm tiền gửi: Mô hình nào tương thích với thực tế Việt Nam?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trực tiếp điều chỉnh hoạt động BHTG ở nước ta mới chỉ là nghị định (Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 về BHTG và Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89) trong khi ở hầu hết các nước Luật BHTG thường ra đời trước khi Chính phủ ra quyết định thành lập tổ chức BHTG. Vì thiếu một nền tảng pháp lý vững chắc bao quát lĩnh vực hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng tới “hầu bao” của người dân và sự ổn định của nền kinh tế nên đã phần nào hạn chế DIV thực hiện đầy đủ các chức năng vốn có của một tổ chức BHTG theo thông lệ quốc tế.

TS. Bùi Khắc Sơn – Tổng giám đốc DIV cho rằng, khi nước ta chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới đồng nghĩa rủi ro ngày càng gia tăng, do đó, vấn đề vô cùng cấp thiết hiện nay là cần xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc để phòng chống rủi ro, bảo vệ quyền lợi của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp, từng người dân. Kể từ khi được thành lập đến nay, DIV luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc nâng cao cơ sở pháp lý của hoạt động BHTG. DIV đã chủ động tổ chức khảo sát, nghiên cứu nhiều mô hình BHTG và Luật BHTG ở các nước tiên tiến, đề xuất những kinh nghiệm tốt nhất cho Việt Nam phù hợp với thông lệ chung.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, để có một hệ thống BHTG hoạt động hiệu quả thì mô hình tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro được hầu hết các nước lựa chọn bởi tính ưu việt vượt trội của nó so với các mô hình chi trả và chi trả với quyền hạn mở rộng. Có thể thấy, bảo hiểm luôn gắn với rủi ro, mô hình BHTG giảm thiểu rủi ro cho phép tổ chức BHTG quản lý rủi ro một cách toàn diện nhất, đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của tổ chức tham gia BHTG với các chức năng được mở rộng và đa dạng hóa. Với mô hình giảm thiểu rủi ro, tính phòng ngừa được đề cao bởi tổ chức BHTG có thể can thiệp vào mọi giai đoạn từ lúc ra đời, khỏe mạnh hay ốm yếu, suy vong…của tổ chức tham gia BHTG. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về “Tổ chức BHTG xử lý ngân hàng đổ vỡ” năm 2006 nghiên cứu kinh nghiệm và số liệu của 1.700 ngân hàng tại 57 quốc gia cho thấy, ở những nước mà tổ chức BHTG có quyền can thiệp và chấm dứt, các ngân hàng hoạt động ổn định hơn và nguy cơ mất khả năng thanh toán thấp hơn.

Dẫn chứng gần đây nhất về trường hợp đổ vỡ của ngân hàng cho vay thế chấp lớn thứ 5 của nước Anh – Northern Rock tháng 9 năm 2007 cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng này lâm vào tình trạng không thể cứu vãn là do tổ chức BHTG ở Anh hoạt động kém hiệu quả vì được thiết kế theo mô hình chi trả. Chính vì vậy, tổ chức này đã không đủ khả năng cô lập, dập tắt sự cố và không giữ được niềm tin của dân chúng.

Thực chất, Nghị định 89 và 109 về BHTG hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho việc xây dựng tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro ở Việt Nam. Nhưng các quy định này còn mờ nhạt và chưa cụ thể. Đây chính là vấn đề Luật BHTG tới đây cần giải quyết và làm sáng tỏ. Với quyết định đưa dự án Luật BHTG vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, Quốc hội và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm nâng cao hiệu lực của chính sách BHTG, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG tại Việt Nam.

Mục tiêu cao nhất của Luật BHTG là tạo khung pháp lý cho hoạt động BHTG tích cực ở nước ta, bảo vệ người gửi tiền – nhà đầu tư và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng – tài chính. Chính vì thế, tổ chức BHTG ở Việt Nam cần được bổ sung những quyền hạn cần thiết để thực hiện hiệu quả các mục tiêu chính sách công với tư cách là tổ chức giảm thiểu rủi ro. Luật BHTG tới đây cần có cơ chế để tổ chức BHTG có thể chủ động hơn và “thực quyền” hơn trong quản lý rủi ro thay vì chỉ “kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền” như quy định hiện hành.

Mô hình BHTG giảm thiểu rủi ro với các chức năng cơ bản theo thông lệ quốc tế bao gồm: chi trả tiền gửi được bảo hiểm và giám sát rủi ro; chấp thuận hoặc chấm dứt BHTG theo nguyên tắc nhất định; quyết định cơ chế tính phí hoặc xây dựng và đệ trình lên cơ quan giám sát hợp nhất quyết định; tiếp cận nguồn tài chính bổ sung từ các cơ quan Chính phủ và trên thị trường tài chính; đầu tư quỹ tích lũy được vào thị trường tài chính thông qua các loại chứng khoán Chính phủ có thu nhập cố định; thu thập thông tin định kỳ và đột xuất trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG hoặc từ các cơ quan giám sát khác cũng như kiểm tra tính chính xác của thông tin; can thiệp sớm và linh hoạt trong việc lựa chọn giải pháp và triển khai hỗ trợ tài chính hoặc tiếp nhận xử lý; giải quyết khủng hoảng với tư cách là thành viên mạng an toàn tài chính quốc gia, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ tiếp nhận xử lý… Cùng với đó, luật cần trao cho tổ chức BHTG thẩm quyền giải quyết các vi phạm trong lĩnh vực BHTG với các chế tài đủ mạnh, có hiệu lực thi hành cao để các chức năng và quyền hạn của tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, tổ chức BHTG được trao quyền rất lớn, đó là quyền điều tra, thu thập thông tin và bằng chứng đối với các tổ chức tín dụng “có vấn đề”.

Cần nhấn mạnh rằng, về nguyên tắc, hoạt động của tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro hoàn toàn theo cơ chế thị trường, tức là ở đâu có rủi ro thì phải có nguồn lực tương xứng để xử lý với chi phí thấp nhất nhưng không phải từ ngân sách nhà nước mà từ chính sự đóng góp của các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, cùng với nguồn thu từ phí BHTG, Luật BHTG cần có cơ chế để tổ chức này được tiếp cận các nguồn tài chính khác như vay trong và ngoài nước hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh,…để có thể chủ động trong bất kỳ tình huống nào, nhất là khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Việc sớm luật hóa các chức năng của mô hình BHTG giảm thiểu rủi ro không chỉ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động BHTG tích cực ở Việt Nam mà còn nâng cao vị thế của tổ chức BHTG trong mạng an toàn tài chính quốc gia với vai trò là một công cụ tài chính sắc bén trong nền kinh tế thị trường, góp phần duy trì sự an toàn của hệ thống tài chính và bảo vệ tốt nhất người gửi tiền – nhà đầu tư.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân