Bảo hiểm tiền gửi với VNĐ là quyết định đúng đắn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

–  Thưa PCN, trong khi nhiều quan điểm cho rằng vàng và ngoại tệ hợp pháp cũng là tiền nên cần được bảo hiểm như đồng nội tệ, thì quan điểm của Ủy Ban Kinh tế vẫn là chỉ bảo hiểm đồng nội tệ. Ủy ban Kinh tế có những cơ sở nào để bảo lưu quan điểm này?

Thông thường, để bảo đảm an ninh tiền tệ, thì không có quốc gia nào lại chấp nhận song song có hai đồng tiền cùng được lưu hành trên đất nước mình. Thực tế, các quốc gia trên thế giới đều khẳng định trong nước đó chỉ tiêu đồng nội tệ. Mọi hoạt động kinh tế đều phải chuyển sang đồng nội tệ. Ví dụ vào thời điểm này, nếu mang USD sang EU tiêu thì không tiêu được, mà phải đổi sang đồng Euro. Hay như tại Thái Lan, nước này cũng chỉ tiêu bằng đồng Baht. Ở nước ta, việc lựa chọn đồng tiền nào để thực hiện bảo hiểm phải trả lời được câu hỏi là: Có bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia hay không? Nếu không bảo hiểm đối với vàng và ngoại tệ sẽ có ảnh hưởng gì đến những người có tài sản này? Tôi cho rằng, việc không bảo hiểm cho gửi tiết kiệm bằng vàng và ngoại tệ sẽ không ảnh hưởng đến người dân. Tại nhiều nước, những người có kim loại quý, ngoại tệ, nếu không muốn chuyển sang nội tệ có thể gửi vào két bạc của ngân hàng và phải trả phí dịch vụ. Nhưng hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước hiện nay cung ứng các dịch vụ gia tăng cho người tiêu dùng còn bị hạn chế.

– Nhưng không thể phủ nhận vàng và ngoại tệ cũng có tính chất giống như VNĐ, vì được sử dụng để trao đổi hàng hóa tại nước ta hiện nay, thưa PCN?

Tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là không hợp lý. Bởi USD hay euro không phải của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam in, mà Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu in. Do đồng ngoại tệ không do nước ta in nên chúng ta không khống chế được giá trị đồng tiền. Vì thế, tôi cho rằng, không thể bảo hiểm cho đồng tiền chúng ta không làm chủ, không in ra. Ngoài ra, giá vàng hiện đang biến động mạnh trên cả thị trường thế giới và trong nước, nên chưa đủ điều kiện để thực hiện bảo hiểm. Phân tích trên bình diện bảo vệ an ninh tiền tệ quốc gia thì thấy, bảo hiểm tiền gửi đối với VNĐ là quyết định đúng đắn.

Cũng có quan điểm cho rằng, khi thực hiện bảo hiểm đối với những khoản gửi tiết kiệm bằng VNĐ, thì sẽ khuyến khích người dân chuyển từ sử dụng vàng, ngoại tệ cho thanh toán mua bán sang sử dụng đồng tiền nội tệ của nước ta?

Phải khẳng định lại là thực hiện bảo hiểm đối với các khoản gửi tiết kiệm bằng VNĐ sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu của người dân về các loại tiền và kim loại quý hợp pháp. Người dân vẫn có thể gửi kiều hối về gia đình, và Nhà nước bảo đảm quyền hợp pháp của họ. Nhà nước cũng tôn trọng việc sở hữu vàng miếng của người dân. Người dân gửi ngân hàng hay tự giữ vàng hay chuyển sang tiền đồng là việc của người dân. Luật pháp chỉ can thiệp vào việc họ sử dụng vàng hay ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trên đất nước Việt Nam có đúng pháp luật hay không. Người dân sẽ tự tính toán để chuyển đổi theo cách nào có lợi nhất.

Nhưng người ta cũng nhắc đến việc Ngân hàng Nhà nước dự tính phát hành chứng chỉ với vàng. Theo PCN, giải pháp này có giúp các ngân hàng tăng huy động vàng từ cộng đồng dân cư hay không?

Phát hành chứng chỉ là để người dân sẽ chỉ cần giữ giấy và không phải để vàng ở nhà, tránh gặp một số rủi ro nhất định. Chứng nhận đó có xác nhận của Nhà nước là anh có tài sản đó và nhờ Nhà nước giữ hộ. Khi nào cần, thì báo với Nhà nước, Nhà nước lại trả cho người dân. Nếu gửi vàng vào Ngân hàng, sau đó rút vàng ra để bán hay sử dụng vào một múc đích cá nhân, thì Nhà nước lại thực hiện trả vàng, thu chứng chỉ. Như thế giúp quản lý tốt hơn thị trường vàng, và người dân không bị ảnh hưởng khi phát hành chứng chỉ này.

– Xin cám ơn PCN!

Vũ Dũng thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân