Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tại Hội thảo tham vấn vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu cho rằng, dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với tính ưu việt, hiệu quả của nó đã góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa nâng cao chất lượng học tập, vừa góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây còn là hình thức tổ chức dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, cần được phát huy thời gian tới.
<img alt="Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu phát biểu Ảnh: Hoàng Ngọc" src="” width=”850px” />
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu phát biểu
Ảnh: Hoàng Ngọc

Từ hoài nghi chuyển thành mong muốn

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một trong những nội dung thuộc chương trình giám sát về giáo dục dân tộc của Hội đồng Dân tộc. Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được thử nghiệm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học dân tộc Mông, Jrai, Khmer (giai đoạn 2008 – 2015) ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh; sau đó tiếp tục được nhân rộng với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học dân tộc Mông ở Lào Cai (2010 – 2020), với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học dân tộc Khmer ở An Giang.

 Qua thực tế giám sát tại Lào Cai và An Giang, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, học sinh tại các lớp giáo dục song ngữ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, chủ động, tham gia vào các hoạt động học tập tích cực. Không khí lớp học thực sự sôi nổi, học sinh tự tin, mạnh dạn. Học sinh được học ở lớp song ngữ có khả năng chủ động tiếp cận kiến thức, nắm chắc các kiến thức tiếng Mông và Toán. Do được học chính tiếng mẹ đẻ của mình nên các em đã bộc lộ rõ sự hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sống… hỗ trợ tích cực kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt.

Báo cáo nghiên cứu sự phát triển của học sinh dân tộc thiểu số đã học Chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho biết, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một giải pháp khoa học, khả thi để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số. Kết quả giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học 3 dân tộc Mông, Jrai, Khmer được cải thiện, nâng cao rõ rệt, so với học sinh không học chương trình giáo dục song ngữ cùng một dân tộc, cùng một trường. Tỷ lệ chuyên cần cao; tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi cao; tỷ lệ xếp loại yếu kém hầu như không còn. Trẻ và học sinh phát triển tốt về phẩm chất, năng lực và nhân cách. Đây là nhân tố cốt lõi để phát triển bền vững chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng người dân tộc thiểu số.

Thông qua giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giáo viên được nâng cao không chỉ về trình độ đào tạo mà còn cả năng lực nghề nghiệp. Đội ngũ giáo viên được trang bị kiến thức, phương pháp giáo dục phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số và có thể đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ từng đối mặt với sự hoài nghi của cha mẹ học sinh và cộng đồng như: Học bằng tiếng mẹ đẻ, các cháu không biết tiếng Việt thì sao? Liệu các cháu có tiếp thu được kiến thức không? Sau khi thực nghiệm, sự hoài khi đã giảm và kết thúc dự án thực nghiệm, sự hoài nghi chuyển thành mong muốn tiếp tục thực hiện giáo dục song ngữ. “Một chương trình tốt như vậy tại sao lại dừng lại?” – Đó là câu hỏi được nhiều phụ huynh học sinh ở Gia Lai đặt ra khi được tham vấn ý kiến về giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ rằng, họ thấy yên tâm khi học theo chương trình này bởi con em họ vừa nói tiếng Việt tốt lại vừa có thể đọc, viết được bằng cả tiếng của dân tộc mình. 

Sớm sửa đổi Nghị định 82 

Kết quả giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ ở giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn nhân rộng, như Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đánh giá, là phù hợp và khả thi đối với những dân tộc thiểu số có đủ điều kiện để thực hiện.

	Nguồn internet
Nguồn internet

Thực tế, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực nghề nghiệp để dạy các lớp giáo dục song ngữ; học sinh người dân tộc thiểu số cùng một dân tộc chiếm tỷ lệ thấp; cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện giáo dục song ngữ. Kinh nghiệm từ An Giang cho thấy, tỉnh phải xin tài liệu của Trà Vinh, dùng kinh phí địa phương để photo, cấp phát cho học sinh. Lào Cai thì photo tài liệu của giai đoạn trước, cấp phát cho học sinh, giáo viên tự làm đồ dùng dạy học… Trong quá trình giáo dục song ngữ còn có hiện tượng học sinh chuyển trường (cùng gia đình) cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.

Từ thực tiễn giám sát việc triển khai thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở ngôn ngữ mẹ đẻ, Hội đồng Dân tộc kiến nghị, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 82/2010/NĐ-CP “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”. Trong đó, việc sửa đổi Nghị định cần hướng đến quy định nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại các nơi có điều kiện. Bởi lẽ, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, “bản thân dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với tính ưu việt, hiệu quả của nó đã góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa nâng cao chất lượng học tập, vừa góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây còn là một hình thức tổ chức dạy học để dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số”.

Nghị định 82 của Chính phủ được ban hành năm 2010, trong đó mới chỉ quy định dạy tiếng nói chữ viết như là một môn học độc lập (giáo dục đơn ngữ). Việc bổ sung quy định dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng chỉ ra, tại Quyết định 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” tại Khoản 6, Điều 1 đã có quy định về kinh phí và nguồn vốn để thực hiện 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ quy định biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa, trong đó có sách giáo khoa song ngữ (Tiếng Việt – tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học. Như vậy, việc bổ sung quy định dạy song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ trong Nghị định 82 của Chính phủ cũng là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện dạy song ngữ theo chương trình, sách giáo khoa mới tại Quyết định 404.