Bảo vệ thương hiệu Việt: Thủ tục rườm rà, yếu quản lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sản phẩm càng nổi tiếng càng dễ bị nhái!

 Đây là thực tế được các DN phản ánh tại hội thảo “Bảo vệ thương hiệu quốc gia – Những cơ sở pháp lý” vừa diễn ra. Về các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, rất dễ thấy những sản phẩm thiết yếu và có “tên tuổi” như: bột giặt OMO, nước mắm Nam Ngư, kem đánh răng Colgate… bị làm giả, làm nhái và bày bán công khai. Nhưng đáng nói, ngay tại các thành phố lớn cũng có rất nhiều mặt hàng bị làm giả, từ rượu, bia, thuốc lá, tới các loại bánh kẹo, thực phẩm… Hàng giả, hàng nhái được làm tinh vi tới mức chính người bán cũng khó phân biệt, huống gì người tiêu dùng. Hiện tượng này đã trở nên phổ biến, ai cũng biết, tuy nhiên, điều khó hiểu là vai trò quản lý của cơ quan chức năng lại quá mờ nhạt, chưa thực sự bảo vệ các DN làm ăn chân chính.

Nhiều doanh nhân, trong đó có ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên đã rất bức xúc với thực trạng nhiều sản phẩm đã đạt Thương hiệu Quốc gia bị xâm hại thông qua các hình thức cạnh tranh không lành mạnh: bị làm giả, làm nhái, tung tin đồn thất thiệt, bị thâu tóm bằng nhiều thủ đoạn… Trong khi đó, vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể, hiệu quả để bảo vệ sản phẩm Thương hiệu Quốc gia. Ngay cả khi DN muốn tự bảo vệ mình cũng gặp không ít khó khăn vì thủ tục khiếu kiện rắc rối, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém.

Kinh doanh chụp giật là… tự sát

Trước mắt, kinh doanh kiểu chụp giật có thể đưa DN vượt qua nguy cơ phá sản, song về lâu dài, đó là con đường tự sát, vì chính họ đã tự đánh mất hình ảnh, giá trị của mình trong con mắt người tiêu dùng. Nói rộng hơn, với cung cách làm ăn như vậy, chúng ta sẽ không thể có những thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế. Thực tế đã cho thấy, việc các DN chỉ “lao” vào làm gia công, chế biến dạng thô cho nước ngoài đã khiến giá trị hàng hóa của Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại đã được đóng gói, gắn mác thương hiệu nước ngoài nổi tiếng.

Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp Hội chè Việt Nam từng cay đắng khi chè Việt Nam xuất khẩu rất nhiều, song gần như cả thế giới chẳng ai biết họ đang dùng chè của Việt Nam, bởi chúng ta phần lớn đều xuất khẩu sản phẩm thô, yếu trong xây dựng và bảo hộ thương hiệu.

Trong một cuộc khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện gần đây, chỉ có 4,2% DN cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% cho rằng đó là tài sản của DN và chỉ có 30% DN nhận ra thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng. Rõ ràng, nhận thức của DN Việt Nam về giá trị của thương hiệu là điều rất đáng bàn.

Với nhận thức như vậy nên thay vì phải cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, các DN lại cạnh tranh bằng giá, hạ giá thành bằng mọi cách. Đơn cử, trong ngành thủy sản, việc các DN nhỏ của ngành này báo giá quá thấp cho các nhà nhập khẩu Mỹ đã khiến cho thủy sản Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá của các nhà sản xuất nội địa Mỹ. Chưa kể, việc hạ giá bán quá thấp ở nhiều mặt hàng sẽ đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm ngày càng giảm sút.

Theo các chuyên gia, hợp tác để loại trừ cái xấu mới là con đường dẫn tới thành công lâu dài. Nhưng bên cạnh sự đồng lòng nhất trí của các DN, còn phải có sự ủng hộ và bảo vệ của Nhà nước và cộng đồng trước sự cạnh tranh không lành mạnh.

Pháp luật hiện hành có nhiều kẽ hở để dung dưỡng cho những DN làm ăn chụp giật, khiến những doanh nhân có ý thức xây dựng thương hiệu mạnh, chân chính nản lòng. Nhiều DN thẳng thắn cho biết, với chính sách không ổn định, tạo cơ hội cho hàng giả phát triển tràn lan, cơ quan chức năng lơ là, không làm hết trách nhiệm nên đã có không ít DN để tồn tại đã tìm đến cách làm tiêu cực là học cách… làm ăn chụp giật kiểu “đi với ma mặc áo giấy”.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược

Trang Anh
Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị