Bất cập CPI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong đó có 9/11 nhóm hàng tại Hà Nội có chỉ số giá tăng, bao gồm cả các nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Còn tại TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng CPI nhóm lương thực tăng 0,03%; thực phẩm tăng 0,53% trong bối cảnh nguồn cung khá dồi dào. 
Số liệu thì đã có, nhưng những con số này phản ánh biến động giá cả trên thị trường chính xác tới đâu thì xem ra vẫn còn là câu chuyện dài cần nghiên cứu cụ thể.

Bất cập CPI

Với vai trò phản ánh biến động giá cả thị trường, chỉ số giá tiêu dùng là một trong những số liệu được các nhà kinh tế, giới phân tích, các nhà đầu tư và cả những người lao động thông thường quan tâm nhiều nhất.

Tuy nhiên, sự chính xác của những con số này vẫn còn là vấn đề lớn cần các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam quan tâm sâu sát hơn.

Đáng chú ý nhất là tỷ trọng của nhóm hàng lương thực – thực phẩm hiện chiếm tới 42,85% trong khi nhóm dịch vụ văn hoá – thể thao – giải trí chỉ chiếm 3,59% trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số CPI.
Đề cập đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, cách tính CPI của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Bình cho biết, trong 5 năm trở lại đây, lạm phát của Việt Nam bám rất sát với biến động của giá lương thực, thực phẩm trong nước. Trong khi đó, Việt Nam là nước chủ động trong nguồn cung lương thực và thực phẩm, hơn nữa còn là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Rõ ràng, “mặt hàng đó không phải là mặt hàng thiếu ở đất nước chúng ta”, ông Bình cho biết thêm và khẳng định: “Như vậy, giữa việc sản xuất và điều hành giá đối với nhóm mặt hàng này là chúng ta còn nhiều điểm yếu”.

Nhìn lại năm 2011, chỉ số giá nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn tăng nhanh hơn so với chỉ số giá tiêu dùng chung. Bên cạnh đó, do tỷ trọng của mặt hàng lương thực – thực phẩm trong rổ hàng hóa tính CPI quá lớn nên đã kéo chỉ số này tăng mạnh trong khi có những nhóm hàng ít tăng hoặc thậm chí là giảm. 
Đơn cử như tháng 12/2011, CPI của TPHCM tăng 0,73% so với tháng trước đó nhưng trong đó, thực phẩm tăng tới 1,65% còn lương thực cũng tăng 1,54%. 
Còn CPI tháng 11 của thành phố này tăng 0,28% so với tháng trước đó, chủ yếu do các mặt hàng lương thực tăng tới 4,56%. 
Nói cách khác, chỉ số giá tiêu dùng đang bị giá lương thực – thực phẩm “chi phối” khi mà Việt Nam không thiếu các mặt hàng này. 
Năm 2011, riêng xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, mang về 3,5 tỷ USD còn kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 6 tỷ USD. Tính chung các mặt hàng nông lâm, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đạt tới 25 tỷ USD nhưng chỉ số giá tiêu dùng, với nhóm mặt hàng lương thực – thực phẩm chiếm tới gần một nửa vẫn tăng hơn 18% trong năm vừa qua. 
Tỷ trọng của các nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI
CPI được tính dựa vào hai yếu tố: giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và quyền số (tỷ trọng các mặt hàng trong cơ cấu chi tiêu cho đời sống tiêu dùng của dân cư). Hiện tại, rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam được đại diện bằng gần 500 mặt hàng, tăng mạnh so với số lượng mặt hàng đại diện tại thời điểm năm 2000 là 396 và năm 1995 là 296 mặt hàng. 
Gần 500 mặt hàng đại diện được chia vào 10 nhóm hàng với tỷ trọng được tính toán theo cơ cấu chi tiêu cho đời sống tiêu dùng của người dân. 
Theo đó, các mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm) chiếm tỷ trọng cao nhất là 42,85%. Các mặt hàng có tỷ trọng lớn tiếp theo là nhà ở và vật liệu xây dựng, bao gồm cả điện, nước, chất đốt (9,99%); giao thông và bưu chính viễn thông (9,04%); thiết bị, đồ dùng gia đình (8,62%); may mặc, mũ nón, giày dép (7,21%); đồ uống, thuốc lá (4,56%). 
Các loại hình dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa du lịch đều chiếm tỷ trọng nhỏ. Cụ thể y tế chiếm 5,42%; giáo dục chiếm 5,41% còn văn hóa, thể thao, giải trí (cả du lịch) chỉ chiếm 3,59%. Còn lại là hàng hóa và dịch vụ khác: 3,31%.
Tại một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, bên cạnh chỉ số giá tiêu dùng chung, quốc gia này còn có một chỉ số giá tiêu dùng thứ 2 và được quan tâm nhiều hơn, gọi là “chỉ số giá tiêu dùng lõi”. Chỉ số này không bao gồm thực phẩm và năng lượng, 2 mặt hàng thiết yếu nhưng có biến động giá mạnh và thường bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. 
Đỗ Hà
Nguồn:  Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu