Bất động sản 2009: bán được hàng nhưng vẫn lo chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mừng với hiện tượng lạ!

Ngày 10-1-2009, công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng tung ra thị trường 133 căn hộ trong giai đoạn 1 của dự án Riverside Residence. Khác hẳn với bức tranh chung ảm đạm của thị trường BĐS, những ngày đầu năm 2009, đã có khoảng 500 khách hàng đến bốc thăm giành quyền mua 133 căn hộ, với giá từ 35 triệu đồng/m2. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tung ra thị trường, 100% số căn hộ chào bán đã có chủ.

Sự kiện 133 căn hộ bán hết chỉ trong 1 buổi sáng trở thành hiện tượng lạ của thị trường BĐS đầu năm 2009, nếu xét trong hoàn cảnh chung của thị trường và phương thức thanh toán do chủ đầu tư đưa ra không hề dễ chịu. Khách hàng phải đặt cọc 100 triệu đồng/căn hộ; đợt một thanh toán 10% trong vòng 3 ngày kể từ khi đặt cọc; đợt hai, 45 ngày sau phải đóng tiếp 10% để ký hợp đồng mua bán căn hộ; bốn đợt tiếp theo cách nhau 2 tháng thanh toán 5%/đợt; 5 đợt tiếp theo, mỗi đợt cách nhau 2 tháng thanh toán 6%/đợt và cuối cùng thanh toán 30% cộng thuế VAT.

Theo giới phân tích thị trường, hiện tượng lạ Phú Mỹ Hưng chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải là hình ảnh chung của thị trường BĐS trong những ngày đầu năm 2009. Sở dĩ công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng có thể tạo ra hiện tượng lạ là do họ có những lợi thế mà hầu như không có công ty kinh doanh BĐS nào có thể cạnh tranh được, đó là sở hữu một khu đô thị được quy hoạch tổng thể bài bản, nên hàng hóa có tính thanh khoản cao.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự hỗ trợ của các NH cho khách hàng của Phú Mỹ Hưng. Theo thông báo chính thức của công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, họ đã hợp tác với 12 NH thực hiện chương trình liên kết cho khách hàng mua căn hộ Riverside Residence vay vốn, với thời hạn 20 năm.

Mặc dù chỉ là một hiện tượng lạ, nhưng cũng làm dấy lên một tia hy vọng trong giới kinh doanh BĐS cho khả năng hồi phục của thị trường BĐS trong năm 2009. Không chỉ có vậy, hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, các điều kiện cần và đủ cho thị trường BĐS hồi phục đã hội tụ. Giá nhà đất trên thị trường đã giảm đáng kể và các NH đã chịu mở hầu bao cho khách hàng với mức lãi suất cho vay còn thấp hơn nhiều so với năm 2007.

Trông chờ chính sách

Xét về mặt lý thuyết, khả năng hồi phục của thị trường BĐS là hoàn toàn có cơ sở khi các điều kiện cần và đủ đã được thỏa mãn, thế nhưng các chuyên gia giàu kinh nghiệm vẫn cho rằng, năm 2009 tiếp tục là một năm khó khăn của thị trường BĐS.

Vài năm trở lại đây, sự hiện diện sâu và rộng của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư vào thị trường BĐS là một điều không còn là vấn đề mới. Chính nguồn vốn ngoại này đã có một tác động to lớn, nếu không muốn nói là có khả năng chi phối sự lên xuống của thị trường BĐS Việt Nam.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Vì vậy, khả năng hồi phục của thị trường BĐS trong năm 2009 từ sự tác động của nguồn vốn ngoại đã bị loại trừ.

Một nguyên nhân khác khiến cho các chuyên gia tin rằng thị trường khó có khả năng hồi phục, đó là sự tác động của các chính sách tầm vĩ mô. Năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, nên nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục chờ và nghe ngóng tình hình chứ chưa vội tham gia thị trường.

Tuy nhiên, đó chưa phải là chính sách có tác động lớn nhất lên thị trường BĐS. Theo các chuyên gia, Luật Thuế nhà đất sẽ là “cái đinh” chính sách trong năm 2009. Theo những thông tin mới nhất, trong năm 2009, Bộ Tài chính sẽ chủ trì soạn thảo 6 dự án luật gồm: Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế nhà đất, Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh và Luật Kiểm toán độc lập.

Riêng đối với Luật Thuế nhà đất sẽ sửa đổi chính sách Thuế nhà đất theo hướng tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, đảm bảo công bằng xã hội, chống đầu cơ nhà, đất, thực hiện điều tiết đối với những người sở hữu nhiều nhà và có quyền sử dụng nhiều đất…