Bắt mạch nghịch lý nông sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những ngày này, con cá tra và cá basa Việt Nam lâu nay vốn nổi tiếng trên thị trường quốc tế đang lâm vào cảnh bức bối, chen chúc trong các ao nuôi ngày một trở nên chật hẹp ở đồng bằng sông Cửu Long, vì cá mỗi ngày mỗi lớn, quá lứa, lỡ thì mà không biết xuất đi đâu. Ngay tại tỉnh có nhiều ưu thế về thủy sản là Khánh Hòa, chỉ một xã Cam Hải Đông của huyện Cam Lâm cũng có vài chục nghìn con cá chẽm đặc sản quá lứa thu hoạch, người dân nơi đây đang cuống cuồng tìm đường cứu cá. Cũng trong những ngày qua, vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang tràn ngập thị trường với giá bán rẻ như cho không, thậm chí còn không bán được. Rồi chuyện ở Cà Mau, Bạc Liêu, nhà nhà đầu tư nuôi cá sấu mà chỉ có gần như duy nhất nguồn tiêu thụ là thị trường Trung Quốc, để khi thị trường trục trặc thì lập tức hàng nghìn con cá sấu nuôi ứ đọng, người nuôi không biết xử lý ra sao.
      
Những chuyện tương tự thế từng xảy ra và vẫn đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm nào cũng vậy, chuyện nông sản được mùa mất giá, ế hàng, nhưng khi giá tăng lại không còn hàng để bán, cứ luẩn quẩn mãi không sao thoát ra được. Trong bất cứ trường hợp nào, thiệt thòi nhất vẫn là nông dân, tiếp đó là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu, và cao hơn nữa là hiệu quả của cả nền kinh tế. 
      
Vào thời điểm cá tra, cá basa được giá, không biết có bao người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ồ ạt mua đất, đào ao thả cá, bỏ ngoài những khuyến cáo về một tương lai gần cho tình trạng ế thừa cá. Mới đây, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo ngừng mở rộng diện tích cà phê ở khu vực Tây Nguyên để tập trung phát triển bền vững cây cà phê Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp chỉ đạo, nhiều người dân nơi đây vẫn tự ý mở rộng diện tích trồng cà phê. Cà phê Việt Nam không biết đã trải qua bao thăng trầm, cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới. Đã không ít lần, người trồng cà phê Việt Nam phải tự tay chặt bỏ vườn cà phê mà họ mất rất nhiều công sức gây dựng, và rồi ít lâu sau đó lại đua nhau trồng lại khi thấy giá cà phê lên cao. Điệp khúc ấy vẫn cứ triền miên từ năm này qua năm khác. 
      
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng, yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh đã được nói đến rất nhiều là thông tin kịp thời và kịp thời xử lý thông tin. Thế nhưng thực tế nước ta, thông tin chưa đến kịp thời và thông tin cũng chưa được xử lý kịp thời. Thiệt hại và những gì đang diễn ra có lỗi từ nhiều phía, cả người sản xuất, cả doanh nghiệp kinh doanh lẫn các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ hoạch định và quản lý trong từng lĩnh vực. Chuyện tưởng đùa song lại là sự thật đang diễn ra ở một xã thuộc tỉnh Khánh Hòa, khi chỉ vì một thông tin vu vơ là con cá chẽm đang được giá, người dân cả một xã – kể cả Chủ tịch UBND xã – đua nhau đầu tư nuôi cá chẽm để rồi sau đó, từ Chủ tịch xã cho đến người dân, không biết giải quyết ra sao với những ao nuôi đầy ắp cá do không tiêu thụ được. 
      
Yêu cầu về thông tin cho hoạt động kinh tế vẫn được nói đến rất nhiều, gần như ở mọi nơi, mọi lúc, từ hội nghị chuyên đề này đến hội thảo khoa học khác, từ cuộc họp sơ kết, tổng kết của mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành… Các cơ quan thông tin của nước ta cũng không phải là hiếm, lớn thì có Trung tâm thông tin Thương mại của Bộ Công thương, Trung tâm thông tin của Bộ NN và PTNT và các đơn vị tương tự; Nhỏ hơn là các trung tâm hay bộ phận thông tin của mỗi đơn vị, mỗi địa phương, các đơn vị xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường… Thế nhưng, yêu cầu về thông tin lại chưa được đáp ứng là bao. 
      
Trở lại chuyện con cá tra, cá basa đang bị ứ đọng. Hàng loạt biện pháp, cả cấp bách, cả trung hạn, đã được đưa ra để gỡ khó khăn cho người nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long như giãn nợ cho người nuôi cá, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp thu mua cá của nông dân, hỗ trợ tăng công suất chế biến cá, tăng công suất kho trữ lạnh. Thế nhưng, dù là biện pháp gì đi nữa thì nguồn tài chính vẫn là trích từ ngân sách nhà nước và đó cũng mới là biện pháp để cứu riêng con cá tra, cá basa ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu phải vươn tay cứu cả những nông sản đang lâm vào tình cảnh tương tự liệu ngân sách nhà nước chịu được qua mấy mùa? Đó là chưa nói đến sự vô lý của cái vòng luẩn quẩn là đầu tư sản xuất ra sản phẩm để rồi lại phải chật vật tìm cách hỗ trợ, giải quyết hậu quả của những sản phẩm đó. Lẽ ra, những phương án giải quyết phòng trừ cần phải được đưa ra ngay từ khâu quy hoạch sản xuất ban đầu chứ không phải cứ chạy theo để khắc phục hậu quả như cách mà ta vẫn đang làm.
     
 Những ngày này, đâu đó lại có nhiều người dân phá bỏ vườn điều để trồng sắn vì sắn đang được giá mà không biết rằng, nước ta luôn thiếu một lượng lớn điều thô cho các nhà máy chế biến nên thường xuyên phải nhập khẩu hàng chục nghìn tấn điều thô mỗi năm, không những thế, vào thời điểm này, giá điều trên thị trường thế giới cũng đang tăng rất mạnh. Trong khi đó, mặc dù giá hạt tiêu trên thế giới vẫn đang giữ ở mức cao nhưng có mấy người dân Việt Nam biết được, cung cầu hạt tiêu cũng gần ở mức bão hòa. Nói đi thì cũng phải nói lại, nông dân làm sao biết được những thông tin quan trọng và chính thống ở tầm vĩ mô như thế hoặc tương tự như thế.

Giữa vụ vải thiều vừa rồi, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân sau khi cùng các đoàn công tác đến vùng vải Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình thu hoạch và tiêu thụ vải, đã đặc biệt nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng vải nói riêng được hiệu quả, người dân cũng như nhà đầu tư cần phải thực hiện “6 biết”. Đó là, biết hiệu quả kinh tế của việc đầu tư, biết bán cho ai, biết ai mua, biết  bán ở đâu, biết cách nuôi trồng và biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 
      
Còn về chuyện ứ đọng cá ở đồng bằng sông Cửu Long, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Hiệp hội sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về định hướng phát triển cá tra nguyên liệu, trong đó ưu tiên hàng đầu là người nuôi phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, phải có sự gắn kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và ngân hàng, cùng với đó, chính quyền địa phương phải có biện pháp ngăn chặn việc phát triển nuôi trồng tự phát. Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Ts Nguyễn Minh Châu cho biết, ở New Zealand, việc nuôi trồng của nông dân bắt buộc phải theo quy hoạch của Nhà nước. Đối với các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng cần học cách làm này. Quan trọng là khi đã có quy hoạch thì cũng phải có người chịu trách nhiệm thực hiện quy hoạch đó.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân