“Bắt mạch” thị trường năm 2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong tháng 2, các nhóm hàng sẽ tăng được dự báo là nhóm đồ uống, ăn uống ngoài gia đình, vận tải (do nhu cầu đi lại sau Tết và lễ hội nhiều). Nhưng do lương thực, thực phẩm là nhóm có quyền số cao lại ổn định và không tăng nên sẽ tác động mạnh đến CPI. Do “tháng giêng là tháng ăn chơi”, lễ hội nhiều, vì thế chi phí cho ăn uống ngoài gia đình và đi lại tăng nhẹ. Nhóm vật liệu xây dựng cũng chưa thể tăng do nhu cầu xây dựng vào thời điểm này còn chưa nhiều.

Tính chung trong quý I, chỉ số giá tiêu dùng theo dự báo sẽ chỉ tăng trong tháng 1, cả quý cộng lại sẽ âm. Nhìn rộng ra toàn bộ thị trường bán lẻ Việt Nam 2009 có thể thấy mức lưu chuyển sẽ chậm hơn năm 2008. Nếu năm 2008 mức tăng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt 31% thì năm 2009 chỉ đạt 16-18% do sức mua xã hội giảm nhiều. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ ổn định, giá hàng công nghiệp tiêu dùng tiếp tục giảm sâu nhất là các mặt hàng dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh… Sở dĩ các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng sẽ giảm mạnh là do các tập đoàn chuyển hướng lấy thị trường nội địa làm mục đích chiến lược nên sẽ phải cơ cấu lại giá thành cho phù hợp. Mặt khác, nhiều mặt hàng tiêu dùng ngoại nhập giá rẻ sẽ thâm nhập vào thị trường trong nước: Trong tháng 1 vừa qua có thể thấy rõ xu hướng này qua việc tràn ngập hàng thời trang Quảng Châu, Thâm Quyến trên thị trường Hà Nội và việc đến 30 Tết nhiều cửa hàng thời trang giảm giá tới 50-70% sẽ cho thấy hàng nội sẽ phải đối đầu với hàng may mặc giá rẻ Trung Quốc trong năm 2009. Ở nhóm hàng điện tử, điện lạnh, các nước ASEAN có kim ngạch xuất khẩu từ 30-70 tỷ USD trước nay đều hướng vào Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Nay các thị trường này đều gặp khó khăn thì sẽ hướng vào các thị trường lân cận. Đúng lúc đó, thuế suất hàng điện tử ở thị trường Việt Nam chỉ còn 0% nên khả năng các sản phẩm điện tử từ các nước khu vực thâm nhập và tràn ngập thị trường nội địa là điều được báo trước.

Các nhà bán lẻ Việt Nam có thể thở phào khi các đại gia bán lẻ còn đang phải đối phó với sự suy giảm trong nước nên chưa thể mở mang mạng lưới sang Việt Nam, nhưng sự có mặt nhiều hơn của hàng ngoại sẽ khiến các nhà sản xuất trong nước lúng túng hơn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2009 sẽ khó chứng kiến sự tăng giá vùn vụt của nhiều mặt hàng như năm 2008, mà ngược lại, có thể thấy sự ổn định ở hầu hết các mặt hàng. Tất nhiên ở cấp vĩ mô cần có sự điều phối kịp thời và có các giải pháp đối phó khi có tin đồn, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc như việc tăng giá gạo năm 2008.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị