Bài 2: Củng cố vững chắc địa vị và sức mạnh làm chủ của Nhân dân 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trọng trách cơ bản của toàn bộ tiến trình dân chủ hóa là phải xác lập và củng cố vững chắc không ngừng địa vị làm chủ và sức mạnh làm chủ của Nhân dân lao động một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc. Đó cũng chính là mục tiêu, là động lực phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phát triển đất nước vững mạnh toàn diện và bền vững từ kinh tế, chính trị đến xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, mà kinh tế giữ địa vị là nền tảng, là căn bản. Và chính sự hùng mạnh, bền vững của nền kinh tế theo hướng dân chủ hóa là tiền đề quyết định để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa vững mạnh, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Nắm chắc ngọn cờ dân chủ xã hội chủ nghĩa

Phát triển và phát huy dân chủ là một tiến trình tổng hợp, thể hiện trên nhiều bình diện, với rất nhiều nội dung hết sức cơ bản, quan trọng và gồm rất nhiều công việc.  

Về quan điểm, nền dân chủ mà chúng ta xây dựng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ căn bản của chúng ta, cũng là nguyện vọng chung của toàn thể Nhân dân lao động nước ta, có tính quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Về yêu cầu, bất cứ trong tình huống nào, chúng ta cũng phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng cho kỳ được cục diện chính trị ổn định, đoàn kết để có lợi cho việc củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, có lợi cho việc nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, có lợi cho việc bảo đảm đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân và tiến hành thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế và ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế. Đó là điểm xuất phát, là điểm quy tụ căn bản của tiến trình thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách toàn vẹn và thống nhất.

Về phương châm, tiến hành một cách thống nhất, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi thận trọng, phù hợp, hiệu quả.  

Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức thực thi dân chủ

Các phương diện thực hiện dân chủ, trước hết là đổi mới thể chế chính trị nhằm xây dựng nền dân chủ rộng lớn nhất mà Nhân dân các dân tộc trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đều được hưởng. Đảng ta cầm quyền chính là lãnh đạo và giúp đỡ Nhân dân nắm vững và sử dụng quyền quản lý đất nước, thực hiện bầu cử dân chủ, bảo đảm quyền lợi và tự do rộng rãi mà Nhân dân được hưởng theo pháp luật, tôn trọng và bảo vệ tối cao nhân quyền. Không được mơ hồ, ngả nghiêng về điều đó. Trong thời gian tới và trước mắt, nhiệm vụ chủ yếu là tăng cường pháp chế, thực hiện phân định chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước các cấp và hệ thống doanh nghiệp, tinh giản cơ cấu, hoàn thiện chế độ giám sát dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, ổn định.

Thứ hai là, dân chủ hóa đời sống kinh tế đất nước theo hướng phát triển toàn diện, đồng bộ và bình đẳng các thành phần kinh tế, các khu vực kinh tế, kinh tế ngành, kinh tế vùng lãnh thổ… trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế hợp tác xã hợp thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân nhằm huy động và phát triển tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển lực lượng sản xuất gắn chặt với việc đổi mới và kiện toàn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế đồng thời với phát triển xã hội và môi trường sinh thái… theo Hiến pháp và pháp luật. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên nền tảng một nền kinh tế độc lập tự chủ nhằm giữ vững nền độc lập, tự do của đất nước. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và vận hành nền kinh tế bởi các quy luật thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.   

Thứ ba là, dân chủ hóa đời sống văn hóa, xã hội và tinh thần của Nhân dân lao động trên cơ sở bình đẳng và công bằng về kinh tế, tăng cường mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự tự do, bình đẳng cùng phát triển giữa các dân tộc, các tôn giáo, tín ngưỡng trên lãnh thổ Việt Nam và đồng bào ta ở nước ngoài; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo đảm kết hợp hữu cơ giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển dân số phù hợp và khắc phục hữu hiệu tình trạng phân hóa giàu nghèo, sự bần cùng hóa… ngay trong mỗi bước phát triển chung của đất nước, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại; phát triển hài hòa kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển một cách bền vững. 

Thứ tư là, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và xây dựng nền ngoại giao nhân dân. Xây dựng và bảo vệ là hai mặt của quá trình phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, hơn bao giờ hết, giữ vững nền độc lập tự chủ của đất nước càng thực sự có ý nghĩa quyết định. Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với xây dựng thế trận an ninh nhân dân và nền ngoại giao nhân dân vững mạnh toàn diện, bảo đảm thắng lợi của tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Cùng với việc xác định rõ các phương diện thực hiện dân chủ, đồng thời phải đổi mới không ngừng nội dung và hình thức thực thi dân chủ. Trong đó, về đổi mới thiết chế dân chủ, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý” một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể là, đẩy mạnh việc xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, xử lý tốt quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước với phát huy sức mạnh làm chủ của Nhân dân theo pháp luật. Chỉ có kiên trì hoàn thiện chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa mới có thể trước sau giữ được sự thống nhất đất nước, đoàn kết dân tộc, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Nói cụ thể, phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát huy dân chủ từ cơ sở, hành động theo pháp luật là sự bảo đảm chắc chắn tiến trình dân chủ hóa. 

Điều cần nhấn mạnh là, không ngừng tăng cường và hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trên phương diện kinh tế, trong phạm vi Hiến pháp, pháp luật và phù hợp với pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế. Mặt khác, hoàn thiện chế độ giám sát dân chủ. Quyền lực của Nhà nước ta là do Nhân dân trao cho. Do đó, hết thảy cán bộ phải phấn đấu xứng đáng với danh hiệu “công bộc của Nhân dân”, phải chịu sự giám sát, kiểm tra và đốc thúc của Nhân dân và pháp luật. Cụ thể là, tiếp tục đổi mới chế độ giám sát, xây dựng cơ chế ràng buộc và kiểm soát lẫn nhau, sử dụng quyền lực theo khuôn khổ của pháp luật; kiên trì nguyên tắc công bằng, công khai trên tất cả các phương diện liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của Nhân dân lao động; kết hợp chặt chẽ việc giám sát trong Đảng, thực hiện pháp luật giám sát với quần chúng Nhân dân giám sát và dư luận gám sát; tăng cường giám sát việc thực hiện đường lối của Đảng, việc thực thi Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn kỷ luật trong Đảng và sự thống nhất pháp chế nhà nước; tăng cường giám sát cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngăn ngừa lạm dụng quyền lực, nghiêm trị hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phá vỡ kỷ luật, kỷ cương. 

Về đổi mới con đường và phương thức thực thi dân chủ: Mở rộng không ngừng các hình thức dân chủ trực tiếpdân chủ gián tiếp gắn chặt với việc nghiêm trị những hành vi dù của bất cứ ai, bất cứ cấp nào làm phương hại đến quyền dân chủ của Nhân dân lao động, làm tổn hại tới lợi ích quốc gia; ngăn chặn và triệt tiêu những biến thái của dân chủ: dân chủ trá hình, dân chủ vô chính phủ, dân chủ cực đoan, dân chủ bắt buộc… trong phát triển kinh tế và xã hội; chủ động làm thất bại mọi mưu đồ và hành động làm rối loạn môi trường chính trị – xã hội, môi trường sản xuất, kinh doanh; trừng phạt kịp thời và đích đáng mọi hành động xâm lược nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nền kinh tế đất nước, nền văn hóa quốc gia…, trong bất cứ tình huống nào. Tôn trọng tuyệt đối và góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của tất cả các nước trong sự hợp tác bình đẳng, văn minh và cùng có lợi; góp phần tích cực bảo vệ nền hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.