Bài 2: Kiểm soát quyền lực lãnh đạo bằng Quốc pháp và Đảng cương 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Nắm giữ hai tư cách quyền lực (quyền lực chính trị – lãnh đạo và quyền dẫn dắt quyền lực nhà nước – cầm quyền) như thế, việc kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng trước hết, dù với tư cách nào, đều được chế định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013.

Nhân dân giám sát Đảng một cách đa diện

Khi “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, Đảng là một chủ thể lãnh đạo, thực thi quyền lực chính trị của giai cấp mà Đảng đại diện, chứ không phải là một chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, dù trên thực tế, là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, có vai trò quyết định trong quá trình tổ chức ra Nhà nước. Đây là vấn đề căn bản, không thể lầm lẫn.

Mặt khác, quyền lực của Đảng khi là “lực lượng lãnh đạo”, thì nó được giới hạn bởi quyền lực của Nhà nước. Bởi, Đảng không phải là Nhà nước, nên không được phép làm thay công việc của Nhà nước. Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được “khế ước hóa” bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và việc tổ chức thực thi và bảo vệ pháp luật là công việc của Nhà nước mà Đảng, với tất cả các tổ chức và đảng viên của Đảng, có nghĩa vụ và quyền lợi gương mẫu chấp hành, không có ngoại lệ, không đứng trên hay bên cạnh luật pháp. Đó chính là thước đo tính đúng đắn, tính khả thi, sức mạnh và hấp lực của cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được pháp luật hóa, với ba tính chất chính danh, chính pháp và chính năng của người cầm quyền dẫn dắt dân tộc.

Đồng thời, theo Hiến định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, “Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” đã đặt Đảng bình đẳng trước pháp luật như mọi đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Đó chính là thước đo vị thế cầm quyền, năng lực cầm quyền và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng. Tức là kiểm soát quyền lực của Đảng bằng Quốc pháp, tức Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Tính chính danh chính pháp cầm quyền của Đảng được Hiến định và pháp luật hóa.

Để kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng và tại Điều 4, Hiến pháp 2013. Nhân dân giám sát Đảng một cách đa diện: Phục vụ Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình, gắn bó mật thiết với Nhân dân, sự vi phạm pháp luật của tổ chức và đảng viên của Đảng… Mặt khác, việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng còn được thực hiện với các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị – xã hội… Các hình thức kiểm soát này đều được chế định trong Hiến pháp, các văn bản luật và Điều lệ Đảng.

Việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng được thực thi bởi việc đo lường hay định lượng hiệu quả lãnh đạo, lòng tin của Nhân dân, uy tín của Đảng trên trường quốc tế theo vai trò, chức năng của Đảng cầm quyền được chế định bởi Hiến pháp và pháp luật. Đánh giá hiệu quả lãnh đạo của Đảng: Định lượng kết quả sự dẫn dắt, tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng đề ra; mức độ lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia dân tộc với những giá trị tiến bộ mang tầm vóc thời đại mà Đảng mang đến cho Nhân dân và đất nước, cho dân tộc; và sự thừa nhận của các đảng chính trị và các quốc gia trên thế giới.

Lòng tin của Nhân dân là thước đo quyết định

Đảng thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của mình thông qua “tự kiểm soát” bằng các nguyên tắc, quy chế, quy định nội bộ, kỷ luật của Đảng, bảo đảm tổ chức và hoạt động của Đảng ở tất cả tổ chức các cấp của Đảng và đối với từng loại đảng viên của Đảng theo Điều lệ Đảng phù hợp với pháp luật. Tôi gọi là Đảng cương. Nó phải thật sự tương đồng và thống nhất với Quốc pháp, trong kiểm soát quyền lực của Đảng. Nhân dân đòi hỏi như vậy và Đảng ý thức như vậy. Kiểm soát quyền lực của cán bộ, công tác cán bộ, các tổ chức của Đảng là công việc gốc của kiểm soát quyền lực trong Đảng. Mọi mầm họa đối với bộ máy và thể chế thường bắt đầu từ khâu căn bản này. Điều cần nhấn mạnh, quyền và trách nhiệm của đại biểu dự Đại hội Đảng các cấp phải được định chế suốt nhiệm kỳ, để chủ động thực thi kỷ luật các thành viên cấp ủy do Đại hội bầu gắn với kỷ luật đảng từ cấp ủy cấp trên trực tiếp theo thẩm quyền, để thực thi kiểm soát quyền lực của Đảng. Việc cần thiết trước mắt ở đây, đổi mới vị trí, trao đúng quyền năng và trách nhiệm cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp theo hướng nâng cao vị thế, mở rộng phạm vi, trao thêm trọng trách và thực quyền hành động, với tên gọi: Ủy ban Kiểm tra, Giám sát và Kỷ luật của Đảng ở tất cả các cấp, do Đại hội các cấp của Đảng bầu cử theo Điều lệ Đảng. 

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy; gắn bó mật thiết với Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của Nhân dân, hoạt động và chịu trách nhiệm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, ở đây, chủ thể quan trọng nhất trong kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng là Nhân dân. Công cụ kiểm soát mạnh mẽ nhất hiện nay là chế định và các định chế của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, thực thi các chế định của Hiến pháp, pháp luật về vai trò lãnh đạo của Đảng; về giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên; về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khuôn khổ pháp luật, về giám sát nội bộ Đảng… là những nhân tố bảo đảm kiểm soát hữu hiệu quyền lực chính trị của Đảng, kiểm soát quyền và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Nhưng, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng là thước đo vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền và uy tín của Đảng vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định, dù các quyền giám sát, kiểm soát quyền lực khác đối với Đảng có thể được chế định bằng Hiến pháp và pháp luật một cách tổng thể. Cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng thời Đảng ta xây dựng Đảng về đạo đức, cũng một phần cơ bản, vì lý do vậy!

Tựu trung, việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng bằng Quốc pháp và Đảng cương đạt tới mức độ nào thì sức mạnh và uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm một cách căn bản thành công tới mức độ đó, Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và sức mạnh của thể chế, dưới ngọn cờ của Đảng, được nhân lên và phát huy sức mạnh tới mức độ đó, uy tín quốc tế của Đảng được thừa nhận tới mức độ đó.

Nghĩa là kiểm soát quyền lực của Đảng cả hai phương diện pháp lý và đạo lý!