Bài 2: Nâng cao năng lực tổ chức bầu cử 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo chủ trương của Trung ương và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian vừa qua sẽ tạo “không gian mới” cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức bầu cử, đòi hỏi năng lực tổ chức bầu cử, nhất là ở cấp cơ sở phải được nâng lên.

Bảo đảm quyền lợi cử tri nơi không tổ chức HĐND

Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là cuộc bầu cử đầu tiên phải tính tới các yếu tố đặc thù của chính quyền đô thị. Bởi trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, điều này đặt ra yêu cầu, khi thành lập các tổ phụ trách bầu cử, các địa phương này phải bảo đảm quyền lợi của cử tri ở những quận, phường không tổ chức HĐND.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP .Hồ Chí Minh, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm nêu rõ, “do không có HĐND quận, phường nên gánh nặng của HĐND quận và phường trước đây sẽ dồn lên vai HĐND Thành phố. Điều đó có nghĩa chỉ tổ chức một cấp chính quyền thành phố sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm tính đại diện, quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân ở các quận, phường. Đồng thời, hoạt động giám sát của HĐND quận và phường trước đây sẽ bị bỏ trống khi thiết chế này không còn hiện diện ở quận, phường. Như vậy, việc giới thiệu, ứng cử đại biểu HĐND Thành phố cần cân chỉnh lại số lượng đại biểu để bảo đảm tính đại diện”.

So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng cho phép mỗi Ban của HĐND TP Đà Nẵng được tăng 1 Phó Trưởng ban (hoạt động chuyên trách); Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh quy định HĐND TP. Hồ Chí Minh được tăng 1 Phó Chủ tịch (hoạt động chuyên trách), 1 Phó Trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách của mỗi Ban. Tại Phiên họp thứ 53 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội, nhằm giúp Hà Nội sớm chủ động phương án nhân sự, dự kiến bố trí sắp xếp các chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách sau cuộc bầu cử ngày 23.5 tới. Với số lượng đại biểu được đề xuất tăng thêm là 9 đại biểu, trong đó có tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 Ban của HĐND TP. Hà Nội, Chính phủ cho rằng, sẽ giúp HĐND TP. Hà Nội đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền Thủ đô. Đề xuất này cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cũng tổ chức mô hình chính quyền đô thị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND TP. Hà Nội.

Cuộc bầu cử lần này còn được thực hiện trong bối cảnh số lượng đơn vị hành chính giảm khá nhiều nhưng “không gian hành chính” lại rộng hơn do việc thực hiện chủ trương của Trung ương và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Có những địa bàn, địa giới hành chính của một xã đã mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây vì sáp nhập tới 2 – 3 xã, có nơi 2 huyện sáp nhập thành 1 huyện. Điều này đòi hỏi năng lực tổ chức bầu cử phải được nâng lên rất nhiều mới có thể đáp ứng được yêu cầu về khối lượng công việc và bảo đảm không có sai sót xảy ra trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử.  

Chuẩn bị thật tốt nhân sự để cử tri chọn ai cũng xứng đáng

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân sự thật tốt để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Một thuận lợi cơ bản là lần này, công tác quy hoạch người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã được thực hiện từ rất sớm nên tính chủ động trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự ứng cử cao hơn. Bất kỳ ứng cử viên nào, dù được cơ quan, tổ chức giới thiệu hay tự ứng cử đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã được pháp luật quy định và đặc biệt là phải được Nhân dân tín nhiệm, phải có trình độ chính trị, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh…

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong quá trình lựa chọn, giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải có sự tham gia rộng rãi của cử tri và Nhân dân, nhất là cử tri nơi người dự kiến được giới thiệu ứng cử công tác và cư trú bởi từ thực tiễn sinh hoạt, làm việc hàng ngày họ sẽ đánh giá khách quan và chính xác về phẩm chất, về năng lực, trình độ và bản lĩnh của người ứng cử.

Từ kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử trước đây, nhiều ý kiến cũng lưu ý, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục triệt để tình trạng “quân xanh, quân đỏ”. Muốn vậy, “mặt bằng nhân sự” ứng cử, đặc biệt là nhân sự giới thiệu ứng cử trong cùng một đơn vị bầu cử phải bảo đảm không quá chênh lệch giữa các ứng cử viên, nhất là chênh lệch về trình độ, về vị trí xã hội… để cử tri dù có lựa chọn bỏ phiếu cho ai thì người đó cũng thực sự xứng đáng là người đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội, HĐND các cấp.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, quy trình lựa chọn nhân sự, tiêu chuẩn nhân sự ứng cử lần này đã được bổ sung, hoàn thiện thêm một bước. Thực hiện nghiêm túc, công tâm các quy định này thì chất lượng ứng cử viên sẽ được nâng lên. Thời gian tới, công tác chuẩn bị bầu cử sẽ bắt đầu nhiều công việc ở cơ sở, do đó, trong từng công đoạn bầu cử, đều phải thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm khách quan, dân chủ và công khai, minh bạch để từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri lựa chọn được các đại biểu ngang tầm nhiệm vụ.