Bài 2: Rà soát tổng thể để sắp xếp phù hợp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trong quá trình tiến hành sắp xếp, giảm mạnh đầu mối quản lý, cung cấp dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương, trong đó có cơ quan thú y, nước ta phải đương đầu với một số dịch bệnh nghiêm trọng, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Điều này cộng với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ hơn về kiểm định động vật, đã cho thấy khó khăn, bất cập từ quá trình sắp xếp nêu trên.

Thiếu nhân lực nghiêm trọng

Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí. Do vậy, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đặt ra yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị này là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị. Nghị quyết quy định rõ hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư… cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Song song với quá trình sáp nhập này sẽ chuyển một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế) cấp huyện.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Nguồn: ITN

Quá trình này đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương. Qua thực hiện bước đầu khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo ở một số nội dung công việc. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được tiến hành đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực. Theo phản ánh từ các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Thuận… thì thay vì 3 đầu mối như trước đây (trạm chăn nuôi – thú y; trồng trọt và bảo vệ thực vật; khuyến nông) ở cấp huyện chỉ còn một đầu mối. Đồng thời, với mô hình sáp nhập này, ngành thú y chỉ còn cấp Trung ương và cấp tỉnh, không còn cấp xã, giúp giảm chức danh lãnh đạo.

Tuy nhiên, qua đợt phòng, chống và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi vừa qua, mô hình này đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Báo cáo của nhiều tỉnh, thành phố cho thấy, do trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện không có chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, nên thiếu cán bộ thực hiện các công tác này. Số lượng cán bộ được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ này chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước sáp nhập. Trong khi đó, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT), công tác chống dịch nói chung, nhất là dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, phải tiến hành theo phương châm “phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để”, thậm chí trong một số thời điểm phải nâng cao lên mức “như chống giặc”.

Bên cạnh việc thiếu nhân lực, do Trạm dịch vụ nông nghiệp ở cấp huyện được hình thành trên cơ sở sáp nhập nhiều trạm dịch vụ khác nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y của Sở NN – PTNT khó chỉ đạo trực tiếp, điều chuyển nhân lực từ địa bàn này sang địa bàn khác để đáp ứng nhu cầu kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên thực tế. Do vậy, để khống chế thành công bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu đặc biệt về tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở địa phương trong năm 2019.

Nguyên nhân kéo dài dịch bệnh?

Việc sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác thuộc Sở NN – PTNT tỉnh, thành phố, hay sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện với các trạm khác thành trung tâm dịch vụ cấp huyện như chủ trương chung đã giúp tăng số lượng cán bộ của đơn vị. Việc tăng số lượng cán bộ, công chức này sẽ tạo thuận lợi với những nhiệm vụ cần nhiều nhân lực nhưng không đòi hỏi chuyên môn sâu, như thống kê đàn, đôn đốc tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc, phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra trên diện rộng…

Nhưng thú y là một chuyên ngành đặc thù, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức công tác trong cơ quan, đơn vị am hiểu chuyên môn sâu. Việc sáp nhập các cơ quan thú y giúp tăng số lượng cán bộ của đơn vị, song các đơn vị này không được bổ sung biên chế, gây thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn. Báo cáo của Sở NN – PTNT nhiều tỉnh, thành phố cho thấy, việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện đã khiến việc triển khai công tác chăn nuôi, thú y trên địa bàn theo quy định của Luật Thú y năm 2015 gặp nhiều khó khăn.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến công tác thú y tại cấp xã, nơi trực tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi và cũng là nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh ở địa phương. Việc thực hiện sáp nhập một cách cơ học, không có chỉ đạo, hướng dẫn từ đầu đã khiến hệ thống cơ quan thú y bị đứt đoạn ở địa phương, khi có địa bàn bố trí được cán bộ theo dõi công tác này, nơi thì không. Đặc biệt, việc nhiều nơi không có lực lượng thú y cơ sở để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi khiến họ không báo cáo dịch bệnh cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y các cấp, như nhận định của Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN – PTNT Phạm Văn Đông, là một nguyên nhân gây kéo dài thời gian dịch bệnh.

Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nêu trên cho thấy cần rà soát tổng thể việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống đơn vị sự nghiệp của Đảng. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp… đòi hỏi phải tiến hành sáp nhập, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp này tại cấp tỉnh, huyện, xã. Nhưng cùng với yêu cầu đổi mới tổ chức và quản lý các đơn vị này, Nghị quyết số 19-NQ/TW yêu cầu chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước và bảo đảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Câu hỏi đặt ra là quá trình triển khai thực hiện đã thực sự bám sát tinh thần chung chưa?

Phân tích vấn đề từ góc độ này, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị, cần nghiêm túc nhìn nhận việc triển khai chủ trương của Đảng. Bởi, qua quá trình tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, không chỉ nhận thức của chính quyền địa phương về chủ trương của Đảng chưa đầy đủ, chính xác, hệ thống quy định pháp luật liên quan cũng chưa được sửa đổi, bổ sung tương thích với thay đổi các chức danh, thẩm quyền quản lý. Đặc biệt, chưa có các điều kiện bảo đảm cho triển khai thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương không có biên chế chuyên ngành thú y, khiến việc tham mưu cho UBND cấp huyện về công tác này ít nhiều bị hạn chế.

Thực tế giám sát cho thấy, cách thức triển khai sắp xếp, tổ chức hệ thống cơ quan thú y có nơi đang bị đứt gãy, nhất là ở những địa phương không duy trì đội ngũ cán bộ thú y cơ sở. Điều này khiến công tác thông tin, báo cáo không được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên như trước khi sáp nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, trong điều kiện một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật có chiều hướng gia tăng như thời gian qua, đặc biệt là thiệt hại nghiêm trọng từ dịch tả lợn châu Phi, việc tổ chức, sắp xếp cơ quan thú y cần được đánh giá, rà soát tổng thể một cách nghiêm túc, để tìm ra cách làm phù hợp hơn.