Bài 3: Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, minh bạch 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

TS. Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Công việc thứ hai, rất quan trọng nữa, đó là chọn khâu đột phá và hành động quyết liệt xử lý nguyên nhân gốc đẻ ra tham nhũng: Tổng rà soát đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết những người giữ chức vụ trong toàn bộ hệ thống chính trị là công việc đột phá tung thâm.

Buông lỏng kiểm soát quyền lực nhất định dẫn tới sự tha hóa, thoái hóa

5 năm qua, hơn 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 46.000 đảng viên (chiếm 52%) bị xử lý kỷ luật do liên quan tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn tới tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng đó là, công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn phân tán ở và bởi nhiều cơ quan, đơn vị, chưa đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất ở một đầu mối; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tiêu cực với phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Cần thiết tổng rà soát và kiểm tra toàn bộ đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết và nghiêm nhặt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và quản trị, về bằng cấp, tuổi tác tài sản. Thực thi công khai, minh bạch và gắn với giải trình trên phương diện này. Qua đó, kiên quyết thải loại những người vi phạm chế độ học tập, khoa cử, gian lận tuổi tác (một dạng của tham nhũng quyền lực) và sự bất minh về tài sản – một bước đột phá làm trong sạch đội ngũ và giảm nhanh nạn bộ máy cồng kềnh, không trong sạch – “cục nghẽn mạch” khó khăn suốt rất lâu nay. 

Nếu làm ngay khâu sát hạch đột phá này, dự báo nhất định lập tức giảm được tối thiểu 10 – 15% bộ máy một cách “tâm phục khẩu phục” mà không đợi tới bất cứ một sự tuyên truyền hay giáo dục nào, trực tiếp làm trong sạch một bước quan trọng đội ngũ. Không chủ quan, nóng vội nhưng càng không thể chờ đợi, cầu toàn.         

Công việc thứ ba, đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, thống nhất, đồng bộ và minh bạch là việc căn bản. Thực tiễn cấp bách đòi hỏi, không kiểm soát quyền lực (dù là quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế…) bằng cơ chế phù hợp và hiệu quả thông qua hệ thống luật pháp thì không thể nói tới sự tồn tại hợp lý hay phát triển của bất cứ thể chế chính trị nào nói chung, thành công của công cuộc khó khăn này nói riêng. Có thể nói, đây là vấn đề căn bản của mọi vấn đề, quán xuyến và xuyên suốt mọi phương diện của đời sống chính trị xã hội đất nước, và ở đây là cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Buông lỏng kiểm soát quyền lực nhất định dẫn tới sự tha hóa, thoái hóa, lạm dụng quyền lực, thậm chí sở hữu và buôn bán quyền lực, trước hết là quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Đây là nguy cơ chết người và làm sụp đổ, tan rã thể chế.   

Do đó, cấp bách tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị bảo đảm sự vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, thiết chế liên quan trong kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhân dân, trên nền tảng Quốc pháp và Đảng cương nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng, nhiệm vụ của mình được Hiến định, theo Quốc pháp và Đảng cương. Xin nhấn mạnh, phải tiếp tục đổi mới phương thức kiểm soát quyền lực: Nắm chắc cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước của chính bản thân Đảng, Nhà nước (các cơ quan nhà nước) là cơ chế kiểm soát và tự kiểm soát từ bên trong; đồng thời, với cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, bằng việc cải cách phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực Nhà nước gồm Nhân dân đối với Đảng, Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân ngoài Đảng, Nhà nước đối với Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội… hợp thành cơ chế kiểm soát quyền lực tổng thể, trực tiếp phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.   

Đối với Đảng, kiểm soát việc thực thi đồng thời hai loại quyền lực: quyền lực chính trị (lãnh đạo) và dẫn dắt quyền lực nhà nước (cầm quyền). Đây chính là thước đo tính đúng đắn, khả thi, sức mạnh và hấp lực của cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được pháp luật hóa, hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp, với ba tính chất chính danh, chính pháp và chính năng của người cầm quyền dẫn dắt dân tộc.  

Việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp và đội ngũ đảng viên giữ chức vụ trong hệ thống chính trị bằng Quốc pháp và Đảng cương, trước hết về chính trị, công phá trực tiếp những sự tha hóa, thoái hóa, ăn cắp quyền lực và tập trung khâu then chốt là công tác cán bộ, nhất là ăn trộm của cải, quốc khố, chức vụ và buôn bán chức vụ. Các công việc này đạt tới mức độ nào thì sức mạnh chính trị và uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm một cách căn bản và quan trọng tới mức độ đó. Lúc này, lại nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính trị là thanh khiết từ to tới nhỏ. Lòng tin của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng là thước đo sự liêm chính của cán bộ, đảng viên và sức mạnh của Đảng, của thể chế, là động lực phát huy sức mạnh và uy tín quốc tế của Đảng. Nghĩa là kiểm soát quyền lực của Đảng cả ba phương diện pháp lý – đạo lý – và sự tín nhiệm!  

Trọng sự này đòi hỏi, Đảng phải đi tiên phong và nêu gương trong việc thủ pháp một cách kiên định và trong sạch để thực thi trọng trách cầm quyền!    

Đối với Nhà nước, tập trung ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, việc làm sai trái của Nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước (phòng ngừa và triệt tiêu mọi sự tha hóa, thoái hóa, trộm cắp quyền lực, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…), bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực thi toàn vẹn và thống nhất theo Hiến pháp, pháp luật, đáp ứng nhu cầu và ý nguyện của Nhân dân. Các cơ quan nhà nước tự kiểm soát mình và kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự thống nhất (về cơ cấu tổ chức, về mục tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp…) sao cho bộ máy nhà nước tránh được những nguy cơ đe dọa phá vỡ tính thống nhất và sự vận hành có hiệu quả cao của cả bộ máy nhà nước từ những sai lệch có thể xảy ra của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận của bộ máy nhà nước gắn với kiểm soát toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là khâu mấu chốt trong kiểm soát quyền lực cán bộ, công chức trong công vụ và lối sống. 

Mặt khác, bảo đảm sự hợp lý trong phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước phù hợp với những yêu cầu của quá trình thực hiện quyền lực nhà nước thống nhất.

Đồng thời, phải duy trì sự kiểm soát, chế ước, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện không đúng, không hiệu quả trong thực thi quyền lực nhà nước của mỗi cơ quan, nhân viên nhà nước hoặc của các thiết chế khác khi tham gia thực hiện quyền lực nhà nước, trong tính chỉnh thể thống nhất. Chủ động thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm làm trong sạch hóa, tinh nhuệ hóa, chuyên nghiệp hóa và thành thục hóa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức nhà nước, song hành với kiểm soát quyền lực cán bộ, đảng viên trong bộ máy đảng và các thành viên của hệ thống chính trị.   

Nói cụ thể, quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân định thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và giao cho các cơ quan khác nhau của Nhà nước thực hiện. Vì vậy, đối với mỗi quyền lực nhà nước, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận phù hợp nhưng bảo đảm thống nhất. Về nguyên tắc, đối tượng bị kiểm soát là các tổ chức và cá nhân nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước, không trừ một ai, một cơ quan nào. 

Trọng sự này đòi hỏi, Nhà nước phải nắm và phát triển quyền quản trị quốc gia bởi pháp luật tiến tới bằng pháp luật, trong vị thế, tư cách Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo, trong sạch và liêm chính! 

Bảo đảm địa vị chủ thể quyền lực nhà nước là Nhân dân trong kiểm soát quyền lực, trực tiếp trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, với sự phong phú các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công việc thứ tư cần quan tâm, đó là cấp bách bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng là công việc nền móng và then chốt.

Nạn trộm cắp hay nạn tham nhũng, nếu về vật chất, thì đó là sự ô nhục làm bại hoại quốc gia, cá nhân thì táng tận lương tâm, sỉ nhục đạo đức, liêm sỉ và làm hủ bại lối sống. Nhưng tham nhũng về chính trị, về quyền lực, nói như Cụ Hồ là “đạo vị” (ăn trộm chức vụ), chúng sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại có nguy cơ làm mục ruỗng nhân tâm, phá nát lòng tin và có nguy cơ làm tan hoang sự yên ổn đất nước. Đó chính là sự phá nát đạo đức chính trị. Thực tế đã và đang âm ỉ nguy cơ này trên không ít phương diện. Tất cả đã vượt qua những vấn đề tư tưởng, đạo đức và lối sống và đụng chạm tới pháp luật và pháp luật phải làm công việc của mình.

Đó mới là việc thật sự đáng phải sợ và mới đáng phải cảnh giới. Nếu bằng mọi thủ đoạn, họ bất chấp đạo đức, họ chiếm đoạt quyền lực chính trị, biến quyền được giao đó thành vật sở hữu, trở thành mục tiêu hoạt động của họ để tham nhũng, thì rất nguy hiểm, xâm hại cả an nguy quốc gia. Vì, khi dùng quyền lực chính trị để cướp đoạt kim tiền (quan – doanh nhất thể, quan – thương nhất thể…) và dùng kim tiền để mưu đoạt lấy quyền lực chính trị cao hơn, mặc cả được tới “phiếu bầu đạo đức”(!), huân chương đủ loại, “ghế” quyền lực thấp cao… thì tai họa thật khủng khiếp. Khi đã mất luân thường, đạo lý trên đời như thế thì nhất định không thể làm người một cách cho ra người được, và họ vướng vòng tù tội, miệng thế gian trăm năm khôn rửa sạch, là điều được báo trước; thì còn gì là uy tín và sức mạnh của thể chế nữa. Và, do đó, phải toàn dụng luật pháp. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Vì thế, đây phải là khâu đột phá để đổi mới tư duy, tầm nhìn trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Vì tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị… song hành với nạn lãng phí, nhất là lãng phí cơ hội phát triển cá nhân và xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực con người. Nếu lãng phí cơ hội, thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người thì lãng phí lòng tin chính trị, thất thoát uy danh và sức mạnh của của thể chế, của cộng đồng, của quốc gia dân tộc thì không lượng tính được. Đây mới thật sự là vấn đề sinh tử vừa cấp bách vừa chiến lược. 

Do đó, việc cần kíp hiện nay là, đổi mới thiết chế pháp luật. Trên cơ sở thiết lập vòng cương tỏa tổng hợp từ đức trị tới pháp trị và thực thi một cách công khai, dân chủ, bởi bằng hệ thống pháp luật, gồm 10 mặt chỉnh thể: Không nên tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Không được tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Không thể tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Không cần tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Không thể thoát khi tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; Bảo vệ vô điều kiện những người tố cáo tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; Truy xét, thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí mà có của những người tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, công bằng và kịp thời. 

Mười phương diện hợp thành thể chế, pháp luật phải giữ nghiêm và phải thực thi đồng bộ, thống nhất và triệt để, xin nhắc lại, bởi bằng pháp luật. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trên phương diện này tiếp tục trở nên càng nóng bỏng. Thông qua đây để kiểm soát bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót một tổ chức nào, không lọt một ai. Đó là cái gốc, động lực của đổi mới thể chế pháp luật hiện nay.

Thực tế 7 năm qua, kể từ năm 2014, hai ngành thanh tra và kiểm toán kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 700.000 tỷ đồng và tài sản tham nhũng qua truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhưng tỷ lệ thu hồi chỉ đạt trên 34% (so với 8% trong giai đoạn trước đó)… càng cho thấy sự cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật mang tầm chiến lược trên phương diện này. Và, dù năm 2020, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, về chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI), Việt Nam đứng thứ 104/180 quốc gia và vùng lãnh thổ với 36 điểm, tăng 5 điểm và 15 bậc so với năm 2014; và năm 2019, khi 80% số người được hỏi cho rằng mối quan tâm lo ngại hàng đầu là tình hình tham nhũng trong bộ máy công quyền, thì càng rõ ràng đây vẫn đang là mặt trận nóng bỏng có ý nghĩa sinh tử. 

Vì thế, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng toàn diện, thống nhất và đồng bộ. Cùng với các bộ luật và luật hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng…), cần thiết xây dựng luật về tài sản, luật về thu nhập… và các công cụ kiểm soát tài chính, kinh tế, xã hội khác.

Điều cần khắc sâu là, trong việc thực thi pháp luật, không dung thứ bất cứ ai, ở bất cứ cấp nào, với bất cứ lý do gì, ở bất cứ đâu, âm mưu chia cắt pháp luật và biến luật pháp với tư cách là “lưỡi gươm công lý” thành “thanh kiếm phường chèo”. Bảo đảm thực thi thống nhất và đồng bộ giữa Đảng cương và Quốc pháp. 

Công việc thứ năm là đổi mới bộ máy phòng, chống tham nhũng đủ quyền lực, quyền năng và quyền tự quyết là việc quyết định hành động triệt để, là đột phá rất quan trọng, có ý nghĩa thành bại.

Sẽ rất mơ hồ, thậm chí thất bại, nếu phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đơn thuần chỉ bằng một bộ máy không ngang tầm. Kinh nghiệm xác tín, thực tiễn bắt đầu từ đâu thì tầm nhìn và tư duy phải xuất phát từ đấy và vượt trước.

Do đó, cùng với đổi mới cơ chế, sự thành bại ở đây nằm ở làm tốt việc xây dựng bộ máy phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đồng bộ, với trung tâm lãnh đạo, chỉ huy đủ mạnh, độc lập tương đối, gắn với đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ thực thi công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra và bảo vệ kỷ luật và pháp luật. Bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo thực thi bảo vệ công tác này phải được trao đủ quyền năng, quyền lực và được kiểm soát chặt chẽ toàn diện quyền lực. Theo đó, cấp bách đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hiện nay theo hướng mở rộng bao gồm cả lĩnh vực phòng, chống lãng phí và tiêu cực (đã trình bày ngày 6.7.2021, tại cuộc Hội thảo của Ban Nội chính Trung ương), hợp thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, như Bộ Chính trị vừa họp và quyết định mới đây. 

Nói khái lược, không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế hiệu quả và phù hợp quốc tế, trên phương diện này, theo hướng đó. Công khai, dân chủ và minh bạch, trên nền móng pháp luật là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh này. Đó là tầm nhìn chính trị, quyết sách chính trị và hành động chính trị có ý nghĩa quyết định, không thể đứng hàng thứ hai.