Bài toán khó nhiều năm 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau nhiều năm nghiên cứu, đề xuất, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hồ Chí Minh Khóa IX mới đây đã chính thức thông qua Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện xe cơ giới cá nhân trong đó có thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu chính của việc thu phí xe ô tô vào trong trung tâm là giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm hiện đang ngày càng trầm trọng. Với một đô thị đang có hơn 8 triệu xe cá nhân thì chuyện tắc đường rất khó tránh khỏi, nếu không có sự quyết tâm chấn chỉnh mạnh mẽ. Vấn đề là giải pháp này có giảm được lượng xe vào trung tâm thành phố, giải quyết được bản chất vấn đề ùn tắc giao thông hay không thì chưa rõ, nhưng đang có nhiều tranh luận, ý kiến trái chiều xung quanh tính khả thi của đề án này.

Phải khẳng định rằng, phương tiện vào trung tâm thành phố là nhu cầu thực, hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Nhất là khu vực như quận 1, quận 3 tập trung rất nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị hành chính, công ty, trường học, căn hộ, trung tâm mua sắm, siêu thị… dù bắt buộc trả phí ô tô nhiều người dân vẫn chấp nhận để đi vào trung tâm; hoặc có thể người dân sẽ thay thế phương tiện ô tô bằng phương tiện xe máy để vào trung tâm. Vậy, lúc đó phải xử lý thế nào đối với những trường hợp mất phí vào trung tâm thành phố nhưng tình hình đi lại cũng chẳng khả quan hơn trước?

Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn, đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là đúng đắn và cần thiết, xuất phát từ yêu cầu phát triển vì một thành phố xanh, hiện đại. Đây cũng là giải pháp cưỡng bức mang tính kinh điển để giải quyết ùn tắc giao thông tại hầu hết đô thị lớn trên thế giới trong điều kiện quỹ đất, nguồn lực tài chính không đủ thỏa mãn tốc độ tăng trưởng xe cá nhân. Tại nhiều quốc gia, việc thu phí này đã được tiến hành từ lâu. Nhưng các nước đó đã có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, có bãi đậu ô tô ở vòng ngoài để có thể sử dụng các phương tiện công cộng khác vào nội ô. Còn tại TP Hồ Chí Minh hệ thống chưa hoàn thiện, đường sá ở khu trung tâm vẫn bị lấn chiếm, giao thông công cộng không thuận lợi…

Rõ ràng, các giải pháp để giảm ùn tắc đòi hỏi rất nhiều tiền bạc và một quá trình dài hơi, không thể chỉ dựa vào việc thu phí vào nội thành để kỳ vọng giảm ùn tắc. Chính xác hơn thì cả thành phố phải được thiết kế lại và thói quen của người dân phải thay đổi. Thực tế, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 15 năm tập trung phát triển loại hình xe buýt: Ưu tiên làn đường, tạo cơ chế tài chính, đầu tư nhà chờ, bến đỗ, mỗi năm trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng để có thể vận hành. Từng ấy năm xây dựng, cũng từng ấy năm kỳ vọng nhưng sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng này đã không mang lại kết quả như mong đợi. Từ 10 năm trước, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, sau 10 năm, tỷ lệ này không tăng mà giảm xuống chỉ còn 4,3%.

Như vậy, muốn đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố khả thi, thì bên cạnh việc triển khai đồng bộ giải pháp hạn chế xe cá nhân, thành phố phải song song phát triển vận tải công cộng. Có nghĩa, khi hạn chế bao nhiêu xe cá nhân, thì phải nâng cấp được vận tải công cộng lên chừng ấy để tiếp nhận, bù đắp nhu cầu chuyển đổi từ xe cá nhân sang vận tải công cộng. Hơn một thập kỷ qua đã chứng minh hệ thống xe buýt không thể giải quyết nổi bài toán giao thông công cộng. Trong kế hoạch phát triển giao thông của thành phố, bên cạnh xe buýt phải có hệ thống metro hoàn chỉnh; cải tạo mạng lưới giao thông nội đô, phát triển giao thông ngoại vi… và bao hàm cả vấn đề quy hoạch lại dân số, đô thị. Rất nhiều khó khăn, phức tạp đang chờ, đòi hỏi thành phố phải đồng thuận cao trong thực thi, minh bạch trong các chính sách để giải quyết bài toán khó nhiều năm.