“Bôi trơn” vẫn là vấn nạn lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH TRẦN DU LỊCH (TP Hồ Chí Minh): Cần giám sát riêng, kiểm tra chéo

Con số 28% số doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định cho cán bộ hải quan do VCCI công bố khó đánh giá là cao hay thấp nhưng tình trạng phải chi phong bì để làm thủ tục vẫn là vấn nạn lớn hiện nay. Ở đây điều nguy hiểm nhất là chúng ta tạo ra một thói quen trong nhiều năm nay, có thể gọi là “bôi trơn” cho công việc trôi chảy, qua đó tạo thành tiền lệ cực kỳ nguy hiểm.

Để giải quyết lệ này, cần sự thay đổi từ hai phía. Thứ nhất, từ các cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như: hải quan, thuế, xây dựng, địa chính… Phải có các cuộc giám sát riêng, nhất là những cuộc kiểm tra chéo. Đồng thời, các cơ quan cấp trên làm thủ tục phải minh bạch hơn nữa. Càng minh bạch càng tốt. Thứ hai, từ phía các doanh nghiệp không vì vội vàng, vì nhanh được việc mà nuôi dưỡng thói quen đó. Đây là một cuộc vận động cực kỳ khó khăn. Bởi nhiều năm đã tạo thành thói quen và thậm chí nhiều người còn cho rằng việc đưa “phong bì” để được việc là chuyện bình thường, nếu không mới có vẻ bất bình thường. Do đó, phải giải quyết tâm lý này tận gốc ngay từ bây giờ. Đồng thời, phải gắn liền với việc cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.

ĐBQH NGUYỄN SỸ CƯƠNG (Ninh Thuận): Sai đến đâu xử lý đến đó

Thời gian qua, hải quan là một trong những ngành tiên phong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, kết quả khảo sát VCCI công bố rất đáng lưu ý. Nếu không coi việc trả chi phí ngoài quy định ấy là bồi dưỡng, là vòi vĩnh thì đó là cơ chế nào? Cán bộ, công chức nhà nước phải hoàn thành thực thi công vụ là điều đương nhiên, vậy làm sao có khoản bồi dưỡng ngoài quy định này? Rõ ràng, nói ủng hộ doanh nghiệp nhưng làm như thế có vẻ là đang gây phiên hà cho doanh nghiệp. Nếu nặng hơn, đây chính là bôi trơn, là tiêu cực. Do đó, cần sớm chấn chỉnh bởi không có quy định yêu cầu phải bồi dưỡng thêm cho cán bộ hải quan. Các thủ tục hành chính càng rõ ràng, minh bạch, các tiêu cực mới thực sự giảm bớt.

Tôi không khẳng định con số 28% số doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định cho cán bộ hải quan chính xác không. Để bảo đảm tính xác thực, các cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh. Nếu phát hiện có hành vi tiêu cực, cần kiên quyết chấn chỉnh. Sai đến đâu xử lý đến đó.

ĐBQH, Phó chủ tịch Tập đoàn Hương Sen ĐỖ VĂN VẺ (Thái Bình): Doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết pháp luật

Việc các doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định khi làm thủ tục hải quan đặt ra hai vấn đề. Một số cán bộ làm thủ tục hải quan chưa thực sự vì nhân dân phục vụ, cụ thể ở đây là doanh nghiệp. Còn khối doanh nghiệp vẫn chưa làm đúng quy định của pháp luật, khi đã dùng tiền tác động đến việc thực thi công vụ của cán bộ. Do vậy, đội ngũ cán bộ hải quan cần tự chủ động nâng cao năng lực, trình độ cũng như tăng cường rèn luyện đạo đức công vụ; và hơn hết phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình là tạo điều kiện cho doanh nghiệp thay vì gây khó dễ. Họ phải làm việc với tinh thần, trách nhiệm vì lợi ích chung, vì sự phồn vinh của đất nước, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao hiểu biết pháp luật để làm đúng các quy định của pháp luật. Nếu bị gây khó khăn, phiền hà, doanh nghiệp cần kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt cần từ bỏ tâm lý trả chi phí ngoài quy định cho cán bộ để nhận được sự ưu tiên, châm chước…

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tránh tạo kẽ hở. Thường xuyên rà soát các quy định xem còn vướng mắc ở đâu; cần điều chỉnh như thế nào; công khai, minh bạch các thủ tục và quy trình thực hiện cho doanh nghiệp. Làm được như thế mới mong hạn chế chuyện “bôi trơn”, tiêu cực.

Quang Khánh thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân