Bàn về nguy cơ tái lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ đầu năm tới nay, CPI so với cùng kỳ năm trước (CPI_svck) liên tục giảm từ hơn 15% trong tháng 1/2009 xuống còn 2% vào tháng 8/2009. Bên cạnh sự suy giảm kinh tế thì nguyên nhân nằm đằng sau tình trạng này là do mặt bằng giá trong năm 2008 liên tục tăng nhanh, đạt đỉnh điểm trong tháng 8 và 9/2008 (xem hình 1).

Nói cách khác, mặt bằng giá năm 2008 rất cao giúp giảm CPI_svck của năm 2009. Cũng theo logic toán học này, nếu CPI tháng sau so với tháng trước vẫn liên tục tăng như hiện nay, thì từ tháng 10/2009 trở đi, CPI so với cùng kỳ sẽ tăng trở lại.

Sức ép tăng CPI từ trong và ngoài nước

Bên cạnh việc CPI_svck sẽ tăng trở lại vì lý do kỹ thuật như đã nói ở trên, thì trong thời gian tới, còn tồn tại một số sức ép khác lên CPI. Thứ nhất, chính sách kích cầu và mở rộng tín dụng được thực sự triển khai và tăng tốc từ tháng 3/2009 sẽ làm tăng CPI, tất nhiên là sau một độ trễ nhất định. Kinh nghiệm của thời kỳ lạm phát cao vừa qua cho thấy, thời gian trễ này là khoảng 5-7 tháng (xem hình 2).

Như vậy, những tác động đầu tiên của chính sách kích cầu tới CPI có thể sẽ được cảm nhận vào quý IV năm nay. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 25% lên 30% cùng với việc triển khai gói kích cầu thứ hai chắc chắn sẽ tạo thêm sức ép lên CPI trong năm 2010.

Việc tăng trưởng tín dụng và đầu tư cao không nhất thiết làm tăng CPI nếu như tín dụng được sử dụng một cách hiệu quả – tức là góp phần tạo ra giá trị gia tăng và tăng năng suất. Ngược lại, nếu nguồn tiền được đổ vào nền kinh tế nhiều, song lại không tạo được một lượng giá trị gia tăng tương ứng thì kết quả sẽ là lạm phát – điều mà chúng ta đã chứng kiến trong giai đoạn bất ổn vĩ mô trong năm 2007 – 2008.

Nhìn lại chính sách kích cầu, có một số dấu hiệu cho thấy, đến thời điểm này, gói kích cầu chưa đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu bao gồm tăng đầu tư, tiêu dùng và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Trên thực tế, theo ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê), tiêu dùng của người dân trong 6 tháng đầu năm 2009 giảm tới 10% so với 6 tháng đầu năm 2008.

Căn cứ vào số liệu này, cùng với những số liệu chính thức về các bộ phận khác của tổng cầu, thì có thể tính được là tổng đầu tư của khu vực tư nhân trong 6 tháng đầu năm 2009 đã giảm 2% so với 6 tháng đầu năm 2008. Như vậy, tốc độ tăng trưởng 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt được chủ yếu nhờ thâm hụt thương mại giảm rất mạnh (-86%) và hàng tồn kho tăng rất nhanh (34%). Điều này có nghĩa là mục tiêu kích thích tiêu dùng và đầu tư chưa đạt được.

Nói thêm về tăng trưởng kinh tế, đúng là Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP dương. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng tăng trưởng vốn rất cao của mình, thì nền kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng từ 5-6%, một mức suy giảm tương tự như ở các nước chịu tác động nặng nề nhất của khủng hoảng.

Trong khi các nhân tố nền tảng (đầu tư và tiêu dùng) suy giảm, thì các nhân tố có tính đầu cơ (chứng khoán và bất động sản) lại thực sự khởi sắc mạnh mẽ trở lại. Giá bất động sản ở các đô thị lớn tăng trung bình 10-20%, còn VN-Index tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2009.

Giá trị giao dịch chứng khoán cũng thăng trầm theo tiến độ giải ngân của chính sách hỗ trợ lãi suất: bắt đầu tăng tốc từ giữa tháng 2 khi gói hỗ trợ lãi suất 4% được triển khai, đạt đỉnh vào giữa tháng 6 khi tiến độ giải ngân cao nhất, rồi giảm dần cho đến đầu tháng 8 khi có dấu hiệu tín dụng bị thắt chặt trở lại, và gần đây có dấu hiệu tăng trở lại khi có tín hiệu Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng mục tiêu tăng dư nợ tín dụng lên 30%.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã được vay 246.000 tỷ đồng (theo Ngân hàng Nhà nước), nhưng chỉ đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng vào các dự án mới (theo Tổng cục Thống kê). Tựu trung lại, những dấu hiệu này đặt ra nghi vấn về khả năng một phần đáng kể của dòng tiền kích cầu không được sử dụng để phát triển sản xuất – kinh doanh, mà được đổ vào các hoạt động có tính đầu cơ.

Thứ hai, kỳ vọng về lạm phát của thị trường đang ngày một cao, thể hiện qua lãi suất trong các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ ở tất cả các kỳ hạn. Rõ ràng là, các nhà đầu tư tin rằng, lạm phát trong những năm tới sẽ cao trở lại, và do đó đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn một cách tương ứng.

Trên thị trường tín dụng, các ngân hàng thương mại đang bắt đầu một cuộc đua lãi suất để tăng huy động, một phần là để chuẩn bị trước thanh khoản cho nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, phần khác là để đáp ứng yêu cầu của người gửi tiền khi kỳ vọng lạm phát của họ gia tăng.

Thứ ba, theo phương án điều chỉnh tiền lương và trợ cấp của Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, lương tối thiểu của lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ tăng từ ngày 1/1/2010, và sau đó lương tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách cũng tăng kể từ ngày 1/5/2010. Tuy mức tăng cụ thể chưa được công bố, nhưng mặt bằng lương tối thiểu nhìn chung sẽ tăng 10 – 15%, những điều này chắc chắn sẽ tạo thêm một sức ép cho mặt bằng giá chung, và do vậy, đẩy CPI tăng lên.

Thứ tư, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về tốc độ và kịch bản hồi phục của kinh tế thế giới, song dường như có một sự đồng thuận rằng, kinh tế thế giới đã chạm đáy vào quý I/2009 và bắt đầu trên đà hồi phục. Sự hồi phục này có thể trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn vào quý IV/2009 và quý I/2010 – tức là trùng với thời điểm các sức ép từ bên trong nền kinh tế Việt Nam lên CPI được tăng cường như đã thảo luận ở trên.

Khi ấy, chính sách mở rộng tài khóa và nới lỏng tiền tệ được duy trì trong suốt 2009, cùng với việc giá năng lượng, hàng hóa cơ bản và thực phẩm trên thế giới tăng trở lại sẽ là những nguyên nhân trực tiếp có thể khiến lạm phát ở Việt Nam tăng tốc trong năm 2010.

Phản ứng của chính sách tiền tệ và tài khóa

Vì chính sách tiền tệ và tài khóa luôn có một độ trễ nhất định, nên nếu tin vào dự báo tái lạm phát trong năm 2010, thì Chính phủ cần chuẩn bị và điều chỉnh chính sách ngay từ bây giờ. Khó khăn hiện nay nằm ở chỗ, khi sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, và do vậy Chính phủ vẫn cần tiếp tục kích cầu, thì nguy cơ tái lạm phát lại đang rình rập ở phía trước.

Để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện chính sách kích thích kinh tế nhưng với quy mô nhỏ hơn, thời hạn ngắn hơn và hiệu quả cao hơn, đồng thời cần theo dõi sát sao phản ứng của nền kinh tế trong nước cũng như diễn biến của nền kinh tế thế giới.

Quy mô kích thích nhỏ hơn một mặt để tránh kích hoạt lạm phát, mặt khác để không làm tình trạng thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng hơn. Thời hạn ngắn hơn để tạo ra tính linh hoạt cần thiết cho chính sách, nhất là khi cần chấm dứt kích cầu khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục theo đà phục hồi chung của thế giới.

Hiệu quả cao hơn để tránh lặp lại kịch bản của năm 2007 – 2008 với lạm phát cao và bong bóng chứng khoán, bất động sản. Đồng thời, Chính phủ cũng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách cần thiết, đặc biệt là về tín dụng, tài khóa và tỷ giá.

 Vũ Thành Tự Anh (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)
Nguồn: Báo Điện tử Đầu tư