Bình đẳng giới thực chất 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Đến năm 2025, trong lĩnh vực chính trị đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ… Đây là một trong những nội dung được cho là rất tiến bộ của Nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Nếu mục tiêu của Nghị quyết mà được hiện thực hóa, nữ giới sẽ có cơ hội khẳng định được vị trí của mình. Và ở một góc độ nào đó, bình đẳng giới thực chất sẽ đạt bước tiến thực chất.

Không chỉ về chính trị, đối với lĩnh vực kinh tế, lao động, Nghị quyết cũng nêu rõ, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Trong khi đó, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Đặc biệt, để bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ, Nghị quyết cũng đã lượng hóa được những con số về việc phụ nữ khi đảm nhiệm công việc nội trợ. Đây là điểm rất đáng chú ý bởi lẽ, lâu nay, dù không được quy định ở bất kỳ văn bản nào nhưng dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, việc nội trợ là việc của phụ nữ. Chính quan điểm xưa cũ này đã dẫn tới tâm lý phân biệt giới nặng nề. Đó là đàn ông chỉ làm việc lớn, việc nhà, việc nội trợ là việc của phụ nữ.

Nghị quyết của Chính phủ đã quy định, trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Đây là những con số rất ấn tượng và sẽ là niềm vui cho phụ nữ khi việc nội trợ sẽ được giảm tải trong tương lai.  

Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng. Mục tiêu của thúc đẩy bình đẳng giới là hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ. Để thực hiện được bình đẳng, chúng ta đã có những chủ trương và được cụ thể bởi văn bản luật, đó là Luật Bình đẳng giới cũng như văn bản hướng dẫn. Dẫu vậy, bình đẳng giới thực chất vẫn cần nhiều nỗ lực.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết, trong tổng số 22 chỉ tiêu có 11 chỉ tiêu đã đạt được; có 6 chỉ tiêu chưa đạt được; 2 chỉ tiêu đạt được một phần và 3 chỉ tiêu chưa có số liệu. Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chưa đạt được mục tiêu đề ra. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, tuy vậy, trong nhiều năm liền từ 2016 – 2018 và theo số liệu cập nhật đến 9.2020 tỷ lệ này là 30,1% đều không đạt được và kết quả rất thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tỷ lệ này cũng chưa đạt mục tiêu đề ra… Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, kết quả thực hiện bình đẳng giới trong giai đoạn này thiếu tính bền vững và còn khoảng cách lớn giữa các khu vực, vùng miền, nhóm dân tộc, nhóm dân cư. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế do nhận thức, quan tâm về bình đẳng giới của một số Ban soạn thảo…

Với thiên chức làm mẹ, phụ nữ đã bị hạn chế về thời gian bởi quá trình mang thai, sinh con, bởi sức khỏe bị ảnh hưởng. Để có được vị trí bình đẳng nam – nữ đòi hỏi người phụ nữ phải nỗ lực nhiều hơn so với nam giới. Do đó, để bảo đảm bình đẳng giới, ngoài việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ triệt để tư duy trọng nam khinh nữ còn rơi rớt và cũng rất cần sự chia sẻ và thấu hiểu của người đàn ông trong mỗi gia đình. Muốn phụ nữ “giỏi việc nước” thì cũng nên tạo cho họ có cơ hội “giảm việc nhà”, tăng thêm cơ hội, thời gian học tập, rèn luyện sức khỏe, hưởng thụ văn hóa… Muốn vậy, hãy bắt đầu thay đổi nhận thức của mỗi thành viên trong gia đình từ những việc nhỏ nhưng thiết thực như vậy.