Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012: Hối lộ, bôi trơn chưa giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PCI 2012 năm thứ 8 phản ánh cảm nhận của 8.053 doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh năm 2012 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo cũng phân tích kết quả điều tra trên 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo báo cáo, tình trạng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thực hiện thủ tục, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”, ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong năm qua, nhưng vẫn còn 50% doanh nghiệp cho rằng chi phí không chính thức là phổ biến.
 
Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí không chính thức/doanh thu đã giảm một nửa: 13% năm 2006 xuống còn 6,5% năm 2012, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tham nhũng đang dần thay đổi cách thức. Đó là quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước lại gia tăng.

Theo kết quả điều tra, tỷ lệ doanh nghiệp trả hoa hồng thay đổi theo ngành nghề, thấp nhất trong lĩnh vực sản xuất, trung bình với lĩnh vực thương mại và cao nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Nói cách khác, doanh nghiệp càng lớn càng có xác suất trả hoa hồng cao hơn: gần 20% doanh nghiệp dưới 5 lao động có xu hướng trả hoa hồng cho các hợp đồng với cơ quan nhà nước; doanh nghiệp 5-9 lao động gần 37%; doanh nghiệp 50-99 lao động chiếm 47%.

Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp có trên 100 lao động tỷ lệ này lại giảm xuống đôi chút. Theo nhận định, có thể do những doanh nghiệp lớn có mối liên hệ mật thiết với lãnh đạo địa phương, không phải đầu tư nhiều vào chi phí hoa hồng.

Cũng theo nghiên cứu, những người đứng đầu doanh nghiệp từng là lãnh đạo cơ quan nhà nước, sĩ quan quân đội, quản lý doanh nghiệp nhà nước thường có hành vi trả hoa hồng cao hơn so với các doanh nghiệp khác và có xu hướng cao hơn với các doanh nghiệp lâu năm.

Trong khi đó, tỷ lệ trả hoa hồng lại tương đối đồng đều với tất cả doanh nghiệp không có liên hệ, bất kể số năm hoạt động.

Kết luận về vấn đề này, báo cáo cho biết có khoảng 41% doanh nghiệp trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước để giành được hợp đồng, tăng hơn rất nhiều so với mức 23% của năm 2011. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hối lộ trong mua sắm công cũng có những khác biệt như đã nêu trên.

Đáng lo ngại là những doanh nghiệp có tăng trưởng tích cực lại đưa hối lộ nhiều hơn. Nghĩa là những doanh nghiệp có hành vi chi trả hoa hồng có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.

Sự kiện bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên ngày 20-8-2012, dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo báo cáo cũng đã có tác động không nhỏ đến nhà đầu tư và báo hiệu cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trong ngành ngân hàng.

Tác động của cú sốc này được phản ánh rõ nét qua điều tra PCI về niềm tin của doanh nghiệp, khi chỉ trong vòng 20 ngày sau đó, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước sụt giảm một nửa. Sự kiện này cũng tác động không nhỏ tới cảm nhận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn – tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai – bị ảnh hưởng nhất. Tương tự, ngành sản xuất – nguồn tăng trưởng và xuất khẩu chủ lực – cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành dịch vụ lại ít chịu ảnh hưởng.

Khảo sát cũng cho thấy, có đến 48% nhà đầu tư nước ngoài coi yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô là 1 trong 3 rủi ro chính mà họ gặp phải tại Việt Nam, trong đó 36% nhà đầu tư coi đây là rủi ro lớn nhất. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp coi rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động lần lượt là 27%, 26% và 22%.

Về chiến lược giảm thiểu rủi ro, nghiên cứu cũng cho thấy, doanh nghiệp FDI do người Việt Nam quản lý và doanh nghiệp FDI thuần túy có các cách hành xử khác nhau để giảm thiểu rủi ro.

Cụ thể, trên 80% các doanh nghiệp FDI do người Việt Nam quản lý bày tỏ việc trả thêm chi phí không chính thức để đạt được những dịch vụ mong đợi, trong khi chỉ có 50% doanh nghiệp FDI thuần túy làm vậy. Điều này cho thấy CEO là người Việt Nam có thể cho phép doanh nghiệp sử dụng “tiền bôi trơn” hiệu quả hơn để đạt được dịch vụ như mong muốn.

Theo Đầu tư tài chính