Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2012: 5 chỉ tiêu cơ bản không đạt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 16-10) cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo tính toán của Chính phủ, trong số 15 chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, dự kiến có năm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng (GDP), tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ che phủ rừng. Trong đó, GDP năm 2012 chỉ tăng 5,2% (chỉ tiêu đặt ra là 6 – 6,5%).

Báo cáo của Chính phủ liệt kê nhiều hạn chế, bất cập của nền kinh tế vĩ mô: kinh tế chưa thật sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại; tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng được giải quyết chậm. Khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; chỉ số phát triển công nghiệp tăng chậm và còn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn. Trước tình trạng như vậy, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2013 tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012 (GDP tăng khoảng 5,5%, lạm phát tăng 7-8%).

Nhận xét bản báo cáo của chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nêu báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. “Hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia” – ông Nguyễn Văn Giàu nói. Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, chỉ số tồn kho tính đến tháng 9: công nghiệp chế biến chế tạo tồn 20,4%, sản phẩm từ nhựa tồn hơn 50%, ximăng hơn 50%, sắt thép trên 40%, thuốc lá hơn 40%, may mặc gần 40%, gia cầm và thủy sản 34%, tồn kho bất động sản cũng là vấn đề rất lớn.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị “khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng tồn kho và nợ xấu”. Ủy ban này cũng yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết. Sớm có những giải pháp hữu hiệu đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý báo cáo của Chính phủ phải khẳng định cụ thể đến giữa năm 2013 sẽ giảm lượng hàng tồn kho, nợ xấu bao nhiêu, và ngân hàng cần phải tăng cho vay, kể cả cho vay tiêu dùng để kích cầu.

Nguồn: www.tiasang.com.vn