Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam 2011: Cần rà soát chính sách xã hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chất lượng giáo dục thấp

HDI được tính toán dựa trên 3 chỉ số thành phần: tuổi thọ trung bình; giáo dục (tỷ lệ nhập học chung; tỷ lệ người lớn biết chữ) và GDP bình quân đầu người đã được điều chỉnh theo ngang giá sức mua. Theo đó, HDI năm 2011 của Việt Nam là 0,728, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình, xếp thứ 128/187 nước được khảo sát. Điều đáng quan tâm là trong năm 2011, chất lượng giáo dục của Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Tính trung bình ở Đông Á và Thái Bình Dương, số năm đi học kỳ vọng là 11,7 và số năm đi học trung bình là 7,2 năm, Thái Lan là 12,3 và 6,6 năm; trong khi đó Việt Nam là 5,5 năm. Điều này cho thấy, Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa cao và khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, nếu không cải thiện các kết quả giáo dục và trình độ kỹ năng một cách bền vững. Giám đốc UNDP tại Việt Nam Setsuko Yamazaki cho rằng, so với các nước trong khu vực Việt Nam là quốc gia thực hiện rất tốt về bình đẳng giới, tuy nhiên bất bình đẳng giới vẫn tồn tại đặc biệt trong gia đình và trên thị trường lao động. Ở một số tỉnh, tỷ lệ người lớn biết chữ là nữ thấp hơn 20 – 30% so với nam, điển hình như Lai Châu, tỷ lệ người lớn là nữ biết chữ chỉ chiếm 48% so với 75,5% là nam; Điện Biên có tỷ lệ nhập học của nữ là 55,3% so với tỷ lệ nhập học chung của nam là 78,5%.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng khẳng định rằng, 20 năm qua, giá trị con người (HDI) của Việt Nam đã tăng thêm 37%. Những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong từ chỉ số thành phần của HDI (tuổi thọ, giáo dục và tăng trưởng kinh tế) cho thấy tiến bộ chung về phát triển con người chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, từ năm 1990 – 2011, thu nhập bình quân đầu người tại Vịêt Nam đã tăng đáng kinh ngạc với mức 228%.

Cần rà soát chính sách xã hội

 Tôi hy vọng Báo cáo này có thể cung cấp thêm dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn trong lĩnh vực xã hội, ở cấp quốc gia và địa phương, để có thể tối đa hóa tiền năng phát triển của con người Việt Nam – Giám đốc UNDP tại Việt Nam Setsuko Yamazaki

Lần đầu tiên Báo cáo đã đưa ra một phương pháp đo lường nghèo đói và thiếu hụt phi tiền tệ là Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) nhằm xem xét những thay đổi về khía cạnh thu nhập, tuổi thọ, giáo dục và mức sống trong phát triển con người ở cấp địa phương trong giai đoạn 1999 – 2008. Chỉ số đói nghèo đa chiều đo lường dựa trên 9 hình thức thiếu thốn khác nhau về y tế, giáo dục và mức sống ở những phương diện như tỷ lệ phần trăm những người không sống được đến 40 tuổi, tỷ lệ người lớn mù chữ, tỷ trọng dân số không được tiếp cận với nước sạch và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Theo thước đo này, tỷ lệ nghèo phi tiền tệ (những hộ thiếu thốn từ 3 khía cạnh trở lên) ở mức 23,3% cao hơn nhiều so với tỷ lệ đói nghèo quốc gia là 14,5% trong Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2008;  20% có nguy cơ đói nghèo đa chiều (thiếu thốn ở 2 khía cạnh). Theo chỉ số đói nghèo đa chiều Việt Nam có 12 tỉnh có hơn 50% dân số đói nghèo phi tiền tệ và Lai Châu (82,3%), Điện Biên (75%), Hà Giang (73%) là những tỉnh nghèo nhất theo chỉ số này. Trong khi các tỉnh nghèo, tỷ lệ đói nghèo đa chiều cao hơn nhiều so với tỷ lệ đói nghèo tiền tệ, thì ở các tỉnh giàu tỷ lệ đói nghèo phi tiền tệ tương đương, thậm chí thấp hơn tỷ lệ đói nghèo tiền tệ, nghĩa là tỷ lệ thiếu thốn về y tế, mức sống và giáo dục thấp.

Đáng quan tâm hơn, Báo cáo cũng đã đặc biệt nhấn mạnh sự chênh lệch về mức sống giữa các tỉnh giàu nhất và nghèo nhất; giữa thành thị và nông thôn; giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh. Trong đó, bất bình đẳng về thu nhập cũng tăng lên, đặc biệt là ở các vùng giảm nghèo nhanh, như Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Chẳng hạn, tỷ lệ trẻ còi xương, suy dinh dưỡng ở nông thôn và miền núi nông cao hơn 2 – 3 lần so với thành thị; chỉ có 40% trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận giao dục mầm non, so với 61% ở dân tộc Kinh. Đáng chú ý, trong khi khoảng cách về giới nói chung đang dần được thu hẹp, thì một số tỉnh nghèo hơn lại có sự chênh lệch về giới trong giáo dục tăng lên. Trong khi đó, một số tỉnh phát triển năng động lại có khoảng cách chênh lệch thu nhập gia tăng giữa nam và nữ.

Thực tế bên cạnh nhiều cơ hội của các tiến trình ổn định vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, của quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước một nhiệm vụ hết sức to lớn là làm sao vượt qua thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm chất lượng cuộc sống và mọi cơ hội để người dân được thu hưởng các chính sách an sinh xã hội. Từ góc tiếp cận này, UNDP đã đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần rà soát chính sách xã hội hóa và tác động của nó đối với chi tiêu của hộ gia đình cho y tế và giáo dục; phân phối gánh nặng chi trả dịch vụ xã hội một cách công bằng hơn; cần có quy định hiệu quả hơn về cung cấp dịch vụ công và cung cấp dịch vụ tư nhân. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh việc lập kế hoạch cho các nhu cầu dịch vụ xã hội và an sinh xã hội trong tương lai của một dân số đang thay đổi nhanh chóng, nhằm tiếp tục hướng tới mức phát triển con người cao hơn.

Phạm Thị Hồng
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân