Bộ Công Thương: Bàn biện pháp tháo gỡ cho xuất khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều mặt hàng “thoái lui” về kế hoạch

Tại Hội nghị ngành Công Thương đầu năm 2008, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tỏ ra khá lạc quan và cho rằng, chỉ tiêu kim ngạch XK cả năm 2008 đạt 9,5 tỉ USD sẽ không có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên chủ trì, ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phải thừa nhận, năm nay, khả năng kim ngạch XK toàn ngành chỉ đạt từ 9 đến 9,2 tỉ USD. Sở dĩ đưa ra những con số dự báo này là do 9 tháng đầu năm, XK dệt may đạt 6,842 tỉ USD, trong đó riêng tháng 9, XK dệt may đã có dấu hiệu chững lại và giảm sút. Sang tháng 10, sự giảm sút này đã bộc lộ rõ rệt khi 20 ngày đầu tháng, kim ngạch XK chỉ đạt 420 triệu USD, nghĩa là chỉ đạt trên 50% dự kiến ban đầu. Điều đáng nói nữa là, với tình hình đó, ông Vũ Đức Giang dự báo, XK của ngành dệt may trong năm 2009 sẽ chỉ có thể tăng trưởng ở mức tối đa là 5 – 7%.

Một trong những mặt hàng được kỳ vọng có sự tăng trưởng ổn định, vững chắc là thủy sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản lại thẳng thắn cho rằng, tính đến ngày 20/10, XK thủy sản mới dừng ở con số 3,628 tỉ USD, như vậy kim ngạch XK cả năm 2008 chỉ là 4,4 tỉ USD chứ không phải 4,5 tỉ USD như kế hoạch đưa ra ban đầu. Năm 2009, sự tăng trưởng về XK thủy sản không thể vượt quá 10%.

Bi đát hơn cả ngành thủy sản là các DN sản xuất đồ gỗ XK. Theo kế hoạch ban đầu, kim ngạch XK của ngành gỗ trong năm 2008 sẽ đạt 3 tỉ USD, thế nhưng 10 tháng đầu năm, XK mới đạt 2,3 tỉ USD, cả năm được dự báo là chỉ đạt khoảng 2,8 tỉ USD (hụt 200 triệu USD so với kế hoạch).

Hai mặt hàng được coi là có thế mạnh gần như tuyệt đối đó là dầu thô và than đá, nếu chỉ nhìn vào kim ngạch XK thì về cơ bản là đều hoàn thành vượt chỉ tiêu đã đề ra ban đầu, tuy nhiên nếu nhìn vào sản lượng khai thác XK thì mới thấy là sự tăng trưởng đó đều nhờ yếu tố tăng giá trong thời gian vừa qua.

Thị trường thu hẹp- hợp đồng “ách lại”

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xu hướng xấu trong thị trường XK hàng dệt may đã xuất hiện. Không chỉ những đơn hàng XK quí 1/2009 đã ít dần mà thậm chí một số nhà NK còn tỏ ý không muốn nhận hàng của những hợp đồng đã ký. Đơn hàng từ Mỹ và Nhật Bản đã dừng lại trong thời gian này. Như vậy là cả 3 thị trường lớn: Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm trầm trọng.

Không chỉ nhiều hợp đồng XK bị ách lại như ngành dệt may, khá nhiều lô hàng thủy sản đã xuống tàu rồi khách hàng mới đề nghị thanh toán 60 – 70% hoặc là trả chậm. Không thể đề nghị tàu quay ngược về Việt Nam với mức chi phí cao ngất, nhất là chất lượng sản phẩm có thể bị ảnh hưởng, vì thế nhiều DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đành cắn răng chấp nhận.

Mặt hàng điều thì càng có những cú “lội ngược dòng” khi đầu năm, một số DN, đối tác nước ngoài dọa kiện các DN điều Việt Nam bởi lý do các DN này không giao đủ hàng theo hợp đồng đã ký. Thế nhưng hiện nay thì chính các nhà NK lại chậm trễ trong việc thương thảo ký kết hợp đồng, thậm chí còn không chịu mở L/C. Chuyện DN xuất khẩu điều giao hàng rồi, bị thanh toán chậm dường như không còn xa lạ nữa, thậm chí nhiều đối tác đã yêu cầu lùi thời gian giao hàng, khiến cho 80 – 90% DN nhỏ của ngành điều đang trong tình trạng sẽ phải đóng cửa chế biến điều XK.

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ và lan sang các nước châu Âu đã khiến cho thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam bị đình đốn. Theo điều tra, sản phẩm đồ gỗ tồn đọng không tiêu thụ được từ năm 2007 tại thị trường Mỹ và EU lên tới khoảng 30%. Vì thế, hợp đồng đặt hàng cho năm 2008 vào Việt Nam bị giảm đi rất nhiều. Thêm vào đó, một số quy định mới của Mỹ và EU về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ và các sản phẩm đồ gỗ quá hà khắc đã khiến cho việc khai thác chế biến sản phẩm gỗ XK của các DN Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều.

Đến hẹn lại… kêu!

Hầu như các hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn, DN đều chung một nỗi khắc khoải- đó là vấn đề thuế, tỷ giá và lãi suất ngân hàng. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng trước đây đã khó, lãi suất lại quá cao, DN không thể kinh doanh để đủ trả lãi cho ngân hàng. Hiện nay, mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh xuống mức thấp hơn nhưng vẫn chưa phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong giai đoạn khó khăn này. Ông Vũ Đức Giang đề nghị lãi suất ngân hàng phải điều chỉnh theo lãi suất khu vực và thế giới. Thậm chí Hiệp hội Điều – ca cao Việt Nam còn kiến nghị lãi suất ngoại tệ và Việt Nam đồng phải được điều chỉnh về mức đầu năm 2007, nếu không chắc chắn các DN sẽ “đo ván”.

Ngoài ra, mỗi ngành hàng đều có những khó khăn, vướng mắc riêng, nhưng lại có chung một điểm đó là đã “kêu” từ nhiều năm nay nhưng vẫn không được các cơ quan ban ngành chức năng tháo gỡ. Ví dụ, đối với ngành dệt may, từ 5 năm trước, các DN đã kiến nghị Bộ Tài chính bỏ khoản thuế 3% đối với số vải tiết kiệm được trong quá trình gia công hàng hóa, hay mức thuế NK nguyên phụ liệu dệt may 30% là quá cao. Kiến nghị này đã lưu từ 5 năm qua nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Đặc biệt là vấn đề NK nguyên liệu thủy sản, Vasep đã có kiến nghị nhiều lần về việc này bởi theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên liệu trong nước dành cho chế biến thủy sản XK tối đa chỉ có thể chạm tới ngưỡng 5 tỉ USD, nếu muốn tăng trưởng kim ngạch XK hơn nữa thì bắt buộc phải có chiến lược NK nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài về để chế biến. Vậy nhưng, vừa qua Bộ Tài Chính đã không đồng ý với kiến nghị này của Vasep bởi lý do sợ các DN nhập khẩu chỉ để tiêu dùng nội địa, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và tăng kim ngạch nhập siêu.

Hiệp hội Điện tử và tin học Việt Nam chẳng những không còn hy vọng đạt được kim ngạch XK đề ra ban đầu mà còn tỏ ra khá bức xúc khi cho rằng, kiến nghị giảm thuế NK linh kiện của các DN trong lĩnh vực này cũng vẫn chỉ là “lửng lơ con cá vàng”, chưa đáp ứng mong muốn của DN.

Một vấn đề nổi cộm nữa mà các hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn, DN đặc biệt nhấn mạnh đó là việc cung cấp điện cho sản xuất. Những tháng qua, cả lượng điện và chất lượng điện đều không đạt, thế nhưng dự báo năm 2009 giá điện sẽ tăng, đây sẽ là gánh nặng chất thêm lên vai các DN trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Vì thế, đại diện các ngành hàng đều cho rằng, việc tăng giá điện phải có lộ trình tăng dần đều, nếu không các DN sẽ càng bị sức ép hơn.

Kết thúc buổi gặp gỡ giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn và DN, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng đã chia sẻ với những khó khăn vướng mắc của các ngành hàng. Thứ trưởng cho biết, tất cả các kiến nghị này sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp và trình Chính phủ ngay lập tức nhằm có những chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các DN trong 2 tháng cuối năm và những tháng đầu năm 2009.

Nguồn: Báo điện tử Công thương