Bộ Công thương: Do sơ suất nên lại phải tăng thuế nhập xe
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế ô tô nhập khẩu dưới 7 chỗ ngồi đã giảm xuống thêm 20 điểm % hồi tháng 11-2007, trước cam kết với WTO là một sơ suất”, vị thứ trưởng thường trực nói và cho rằng đây là một kinh nghiệm quản lý cần rút ra sau những dư luận xã hội về việc nhà nước vừa giảm thuế chưa lâu lại tăng trở lại hôm 11-3.

Người phụ trách lĩnh vực công nghiệp thuộc Bộ Công thương – nơi giúp Chính phủ đưa ra các kế hoạch quản lý, điều hành ngành công nghiệp ô tô trong nước bổ sung thêm rằng so với quốc tế, việc điều hành ngành công nghiệp này và các chính sách thuế đi kèm còn nhiều lúng túng. “Đáng lẽ ra khi Chính phủ điều chỉnh thuế tăng lên hay giảm xuống phải có ý kiến của các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp và dư luận xã hội. Như việc tăng thuế trở lại vừa qua dễ gây phản ứng”, ông Khu nói.

Tháng 2-2008, gần 6.000 ô tô cập cảng Việt Nam, doanh số bằng 8 tháng đầu năm 2007, tổng giá trị 187 triệu đô la Mỹ chứng tỏ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước đối với xe ô tô nhập lớn. Cho nên việc điều chỉnh thuế càng cần cân nhắc kỹ, ngoài lý do gây ách tắc giao thông.

Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét, việc mua ô tô ở Việt Nam không giống như các nước khác. Ở nước khác có thể mua ô tô trả chậm và mục đích đơn giản là làm phương tiện đi lại. Nhưng ô tô ở Việt Nam vừa là tài sản của nhiều người dân, vừa là phương tiện hoạt động của các doanh nghiệp nên lượng nhập khẩu ô tô rất lớn.

Ông Khu cũng nhìn nhận rằng việc bảo hộ ô tô trong nước suốt 17 năm qua nhưng tỷ lệ nội địa hóa không vượt quá 15% (đối với ô tô dưới 7 chỗ ngồi) cũng là hậu quả của cách quản lý, điều hành kém.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về việc đã đến lúc chấm dứt bảo hộ sản xuất ô tô trong nước khi mà việc này đã không mang lại những kết quả như mong muốn, ông Khu bày tỏ: “Nếu là một người dân, tôi muốn bỏ ngay. Nhưng với tư cách một nhà quản lý, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh để ngành sản xuất ô tô trong nước có những thay đổi khá hơn trong thời gian tới”.  

Biện pháp mà Bộ Công thương dự tính là trong thời gian sắp tới, sẽ tư vấn cho Chính phủ xem xét lại chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô từ nay đến năm 2020 trên cơ sở rút kinh nghiệm những vấn đề yếu kém của ngành này trong suốt một thời gian dài. Cụ thể là thay đổi các hình thức đánh thuế linh kiện. Với những linh kiện trong nước sản xuất được, không phải nhập khẩu có thể mức thuế sẽ bằng 0%. Các linh kiện nhập khẩu khả năng sẽ tăng thuế so với mức 25% đang được áp dụng.

Theo ông Khu, tỷ lệ nội địa hóa mà Chính phủ đặt ra cho ngành công nghiệp ô tô hiện nay vẫn không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ngành sản xuất ô tô cũng có khó khăn trong vấn đề nội địa hóa khi họ phải phụ thuộc vào các ngành khác, ví dụ như sản xuất thép tấm cho vỏ xe. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô thế giới đã phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ từ lâu. 

Lãnh đạo một liên doanh sản xuất ô tô đồng thời là nhà nhập khẩu ô tô lớn trên thị trường Việt Nam một lần nữa khẳng định rằng, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đều gặp khó khăn với những thay đổi, thiếu ổn định của những chính sách liên quan đến ngành công nghiệp ô tô. Ông nói: “Các kế hoạch và dự báo thị trường của chúng tôi đều phải dựa trên một chính sách có lộ trình ổn định. Thiếu ổn định như hiện tại gây nhiều khó khăn cho chúng tôi”.

Nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất Việt Nam hiện nay là Euro Auto chỉ cam kết không thay đổi giá bán cho tất cả các khách hàng đã hoàn tất thủ tục mua xe trước khi mức thuế mới có hiệu lực và nhận xe trong vòng 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực của mức thuế mới. Sau thời hạn trên, Euro Auto cũng tăng giá từ 10 đến 15% như các doanh nghiệp khác.

Tất cả những gánh nặng đến từ việc thay đổi chính sách, thay đổi giá bán một lần nữa lại dồn lên người tiêu dùng, bên cạnh những khó khăn khác trong mua bán ô tô như không nhận thanh toán bằng đồng đô la Mỹ (hiện đang mất giá) như trước. Hình thức thanh toán hiện tại là bằng đồng euro và tiền đồng Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online