Bộ NNPTNT đồng ý nới lỏng điều kiện xuất khẩu cá tra
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước đó, đã có nhiều tranh cãi giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp xung quanh Nghị định này. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đề nghị cần bãi bỏ quy định về độ ẩm, tỷ lệ mạ băng với cá tra phi lê đông lạnh trong Nghị định và cả quy định về vai trò của Hiệp hội Cá tra trong thủ tục xuất khẩu.

Tỷ lệ mạ băng: Không “chốt cứng” dưới 10%

Cụ thể, các DN cho rằng quy định chỉ được phép sản xuất sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước ≤83% và tỷ lệ mạ băng ≤10% đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ, XK cá tra. Các thị trường XK sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng theo quy định của Nghị định 36 còn tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% thị phần XK các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh.

Đồng thời, quy định hợp đồng XK sản phẩm cá tra phải được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận chỉ phát sinh thủ tục hành chính, tăng chi phí của doanh nghiệp, đưa sản phẩm cá tra XK đang kiểm soát theo chế độ hải quan luồng xanh sang luồng vàng (phải kiểm tra hồ sơ trước khi thông quan).

Ngày 25/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có gửi Bộ NNPTNT nêu ý kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Phó Thủ tướng lưu ý việc sửa đổi bổ sung cần tập trung vào các vấn đề: các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai Nghị định36;  cân nhắc thay thế quy định về hàm lượng nước tối đa và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm; xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra…

Nay, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 36 được công bố ngày 17/11 vừa qua, Bộ NNPTNT đề xuất quy định: Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 30%. Hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 86% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.

Loại bỏ thủ tục đăng ký với Hiệp hội Cá tra

Theo Bộ NNPTNT, mục đích của việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra với Hiệp hội cá Tra Việt Nam là khâu kiểm soát cuối cùng trong chuỗi giá trị sản xuất của sản phẩm cá Tra, cân đối cung cầu giữa nhu cầu thị trường và sản xuất nguyên liệu, tạo động lực để các bên tham gia liên kết, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, Bộ thừa nhận qua quá trình thực hiện đã phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Để tạo điều kiện cho các thương nhân xuất khẩu mà vẫn kiểm soát được chất lượng toàn chuỗi sản xuất, Bộ đề xuất sửa đổi theo hướng bãi bỏ thủ tục hồ sơ đăng ký với Hiệp hội cá Tra Việt Nam thay bằng Bản đăng ký của thương nhân với Bộ NNPTNT.

Cụ thể, theo dự thảo, trước ngày 25 hàng tháng, thương nhân nộp bản đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo mẫu quy định cho Bộ. Thương nhân có trách nhiệm lưu Tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được cơ quan hải quan xác nhận (Tờ khai Hải quan), bản gốc Hợp đồng mua cá Tra nguyên liệu, Hợp đồng gia công chế biến (trường hợp sản phẩm được chế biến theo hình thức gia công với một cơ sở chế biến khác) và bản sao Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm. Thời gian lưu 24 tháng kể từ ngày xuất khẩu sản phẩm được chế biến từ nguồn cá Tra nguyên liệu trên…

Thanh Hằng
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ