Bộ Tài chính trình 4 phương án giá xăng dầu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 30 ngày vừa qua, giá dầu thế giới giảm đáng kể và chỉ còn trên dưới 129 USD mỗi thùng dầu thành phẩm và 119,2 USD mỗi thùng xăng thành phẩm. Các nhà nhập khẩu không còn lỗ mà bắt đầu có lãi.

Trong đó, với doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhiều, còn hàng tồn trong kho từ trước có mức lãi ít nhất đối với mỗi lít xăng A92 là 100-200 đồng và 700-900 đồng mỗi lít dầu diezel. Còn những đơn vị nhập hàng trong những ngày gần đây thì mức lãi cao hơn, có thể lên tới trên dưới 1.000 đồng mỗi lít dầu và khoảng 500 đồng mỗi lít xăng.

Trước bối cảnh như vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở cân đối lợi ích giữa 3 đối tượng doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Một phương án được Bộ Tài chính đưa ra là tái áp thuế nhập khẩu để tăng thu ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, do giá thế giới tăng cao, gây áp lực giá bán lẻ trong nước, thuế nhập khẩu đã giảm về mức 0% để hỗ trợ doanh nghiệp. Đợt giảm thuế này đã khiến ngân sách Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Phương án thứ 2 cơ quan này tính đến là tăng mức trích quỹ bình ổn giá để phòng bị trước diễn biến phức tạp của thị trường. Quỹ bình ổn giá lâu nay được hình thành từ sự đóng góp của người tiêu dùng cho mỗi lít xăng dầu vào khoảng 300-500 đồng và được đặt tại chính doanh nghiệp. Khi thị trường xăng dầu có đột biến, doanh nghiệp được trích quỹ ra để bình ổn giá. Trong trường hợp quỹ bình ổn cạn, nhà nhập khẩu mới được phép tăng giá bán lẻ.

Hai phương án còn lại là giảm giá bán lẻ hoặc vừa tái áp thuế nhập khẩu vừa tăng mức trích quỹ bình ổn. Đây cũng là hai phương án Bộ Tài chính cho rằng cân đối được lợi ích các bên hơn cả.

Nguồn tin của Bộ Tài chính cho biết quyết định cuối cùng sẽ do lãnh đạo cấp cao quyết định. Tuy nhiên, ông cho rằng trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp hiện nay phương án tái áp thuế và tăng mức trích quỹ được coi là khả thi hơn cả. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đề xuất cách điều hành này.

Ông phân tích thị trường xăng dầu đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp do nhập được nguồn hàng giá rẻ đã tăng hoa hồng cho đại lý hoặc bán giá thấp hơn để giật thị phần gây bất ổn cho thị trường. Bởi những doanh nghiệp Nhà nước như Petrolimex hay PV Oil… phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về thời gian lưu hàng trong kho. Vì vậy, có thời điểm giá thế giới giảm mạnh nhưng hàng nhập từ trước giá cao vẫn tồn trong kho nhiều. “Tôi cho rằng việc tái áp thuế và tăng mức trích quỹ bình ổn là phương án khả thi nhất. Cách thức này sẽ hạn chế được chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh”, ông này nói.

Tại buổi giao ban trực tuyến Bộ Công Thương ngày 6/6, Phó tổng giám đốc Petrolimex Đàm Thị Huyền cũng cho biết thời gian gần đây, thị trường xăng dầu xuất hiện một số bất cập. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, kinh doanh dầu diezel tại một số đầu mối lãi khá lớn. Những doanh nghiệp này tranh thủ nhập hàng giá rẻ về bán ra thị trường khiến Petrolimex bị thu hẹp thị phần, quỹ bình ổn bị âm.

Bà Huyền cũng cảnh bảo về một nguy cơ “thẩm thấu” xăng dầu từ các nước láng giềng vào thị trường nội địa. Bởi các nước láng giềng như Lào, Campuchia thời gian gần đâu đã 2 lần giảm giá xăng dầu dẫn đến tình trạng chênh lệch giá bán giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực. Điều này dẫn đến nguy cơ trước mắt là giá xăng dầu của Việt Nam cao hơn, nước ngoài thấp hơn. “Có khả năng thẩm lậu ngược lại, không phải là xăng dầu của VN chảy sang các nước khác mà từ các nước khác chảy sang Việt Nam”, bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, khi thị trường thế giới đang nhiều biến động thì Bộ Tài chính chưa nên áp thuế nhập khẩu mà điều tiết bằng quỹ bình ổn để hỗ trợ lại các khoản lỗ đã tích lũy từ trước.

Trong lúc Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được phương án cuối cùng về xăng dầu thì giá thế giới hôm nay tăng trở lại lên mức cao nhất trong vòng một tuần qua.   Nguồn: Báo điện tử VnExpress