Bỏ trần lãi suất, bỏ cơ chế lãi suất thỏa thuận
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, mức trần lãi suất huy động 12/%/năm theo công điện số 02/CĐ-NHNN ngày 26/2/2008 của NHNN sẽ hết hiệu lực thi hành. Cơ chế lãi suất thỏa thuận cũng được thay thế.

Làm theo luật

Cùng với việc quyết định bãi bỏ trần lãi suất 12%, điểm đáng chú ý nhất của cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam theo Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN đã có sự thay đổi căn bản. Cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận hiện nay được thay bằng cơ chế mới thực hiện theo các quy định của Luật Dân Sự và Luật NHNN.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quy định, các tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định lãi suất kinh doanh bao gồm lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay bằng VNĐ theo nguyên tắc lãi suất kinh doanh không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản mà NHNN công bố áp dụng cho từng thời kỳ. Định kỳ hàng tháng, NHNN công bố lãi suất cơ bản. Trong trường hợp cần thiết, NHNN công bố điều chỉnh kịp thời mức lãi suất cơ bản này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/5/2008. Điều này cũng có nghĩa, cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng của ngân hàng sẽ hết hiệu lực; quyết định hành chính quy định lãi suất 12% cũng bị loại bỏ. Một cơ chế mới, điều hành lãi suất được thực hiện theo các quy định của luật pháp.

NHNN cũng đã công bố mức lãi suất cơ bản mới được áp dụng là 12%/năm; lãi suất tái cấp vốn là 13%/năm, lãi suất tái chiết khẩu là 11%/năm.

Như vậy, lãi suất cơ bản đã có sự điều chỉnh lớn từ mức 8,75% lên 12%/năm.

Theo đó, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại tối đa sẽ bằng 150% lãi suất cơ bản, tương đương 18%/năm. Đây là mức lãi suất được cho là tương đối phù hợp với thị trường hiện nay và không gây nên những xáo trộn trên thị trường tiền tệ. Được biết, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay thấp nhất là 12 – 14% và cao nhất là 15 – 18%.

Tháo gỡ tình huống bế tắc

Theo ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư – Phát triển, cơ chế mới là một giải pháp để khai thông tình huống khó khăn và bế tắc hiện nay.

Quy định lãi suất trần như thời gian vừa qua và tách tời quy luật thị trường, các ngân hàng thương mại thì vi phạm luật, mục tiêu huuy động vốn từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng không đạt mục đích; huy động vốn của các ngân hàng gặp khó khăn; lãi suất không hấp dẫn vì thực âm… 

Mô tả ảnh.
Khó khăn trong huy động vốn cũng sẽ được tháo gỡ

“Với cơ chế điều hành mới, chúng ta sẽ đảm bảo thực hiện quản lý theo luật; các ngân hàng sẽ chủ động trong quyết định kinh doanh của mình. Hy vọng rằng vốn sẽ về ngân hàng nhiều hơn, các tổ chức tín dụng bớt khó khăn, khả năng cung cấp vốn cho nền kinh tế sẽ được cải thiện… mang lại nhiều dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế”, ông Hà nói.

Trả lời báo chí ngay sau khi NHNN ban hành cơ chế mới về điều hành lãi suất, bà Dương Thu Hương – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong cuộc họp sáng 17/5 với NHNN, các ngân hàng thương mại rất ủng hộ cơ chế mới này. Các ngân hàng xem đây là một bước đi đúng có tác động tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta đã làm đúng luật. Luật Dân sự đã quy định, lãi suất ngân hàng thương mại không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN công bố. Thời gian qua, chúng ta chưa thực hiện nhưng bây giờ không còn cách nào khác là thực hiện đúng luật”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo bà Hương, “Cơ chế mới tạo chủ động và bình đẳng cho cả ngân hàng thương mại và NHNN, các ngân hàng thương mại biết mình đang hoạt động trong một hành lang pháp lý chung. Các quy định trước đây về trần lãi suất của NHNN hay trần lãi suất đồng thuận của Hiệp hội ngân hàng cũng chỉ là ngắn hạn.

Hơn thế, cách làm này là phù hợp với thị trường. Đảm bảo lãi suất cơ bản có ý nghĩa và không còn bị đông cứng. Tôi cảm thấy, cơ chế mới đưa lãi suất cơ bản của NHNN có ý nghĩa gần như lãi suất FED trên thị trường. Cá nhân tôi cho rằng, với cơ chế mới này, trần lãi suất thỏa thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng cũng không cần tồn tại nữa”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cũng cho rằng, trong một thời gian dài, lãi suất cơ bản không phản ánh thị trường, chỉ có ý nghĩa tham khảo. Với cơ chế này, lãi suất cơ bản sẽ thực hiện đúng chức năng là công cụ điều tiết chính sách tiền tệ, có tác dụng định hướng và điều tiết lãi suất thị trường.

Nguồn: VNN