Bỏ trần lãi suất huy động, tăng lãi suất cơ bản: Từ 19-5, lãi suất cho vay tối đa 18%/năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Trước đây, lãi suất cơ bản mang tính chất định hướng và tham khảo, còn lãi suất cơ bản lần này là cơ sở để các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh theo luật. Vai trò của lãi suất cơ bản sẽ gần như FED”, thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói. 

“Sẽ không còn chạy đua lãi suất”

Bắt đầu từ ngày 19-5, lãi suất cơ bản sẽ được nâng lên 12%/năm từ mức 8,75%, cho phép lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng ở mức 18%/năm. Lãi suất tái cấp vốn ở mức 13%/năm và lãi suất chiết khấu là 11%/năm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói việc nâng các lãi suất chủ chốt nằm trong quyết định điều chỉnh cơ chế điều hành lãi suất cơ bản cho phù hợp với Luật ngân hàng nhà nước và Bộ luật dân sự do Thủ tướng phê duyệt hôm 16-5.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức lãi suất cơ bản này sẽ không gây xáo trộn lớn trên thị trường tiền tệ, tín dụng vì phản ánh đúng mức lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay. Các tổ chức tín dụng sẽ không còn vi phạm Luật dân sự do vượt quá mức trần 150% lãi suất cơ bản nữa khi để mức lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường 15-18%/năm.

“Tất cả các hợp đồng từ ngày 19-5 nếu lãi suất vượt quá 18% là vi phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước được quyền xử lý hành chính – thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói, “Sẽ không còn chạy đua lãi suất nữa”. 

Ông Giàu nói cơ sở tính toán lãi suất cơ bản dựa vào thị trường liên ngân hàng, lãi suất của thị trường mở: “Lãi suất xác định theo mục tiêu chính sách nhưng không kiềm hãm tự do kinh tế thị trường”. Ông nói chính sách này do Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) gợi ý theo tinh thần tùy theo diễn biến của thị trường, dòng vốn, nhu cầu. “Ngân hàng Nhà nước tham gia điều chỉnh phù hợp tình hình cụ thể nhưng không làm mất đi tính phát hiện của cung cầu vốn thị trường”. Ông Giàu cũng cho biết tăng trưởng tín dụng trong năm tháng qua là 18%.

Thị trường sau bỏ trần lãi suất

Dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng thêm 1-3% so với hiện nay, tức đạt 13-15%/năm. Mức tăng tùy ngân hàng, với ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần qui mô lớn sẽ có mức tăng ít hơn, với ngân hàng cổ phần qui mô nhỏ có thể mức tăng đến 3%. Về lãi suất cho vay, chắc chắn có lợi cho nhiều doanh nghiệp vì mức lãi suất tối đa chỉ là 18% thay vì ngoài 20%/năm như một số ngân hàng đã áp dụng trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước mắt các ngân hàng đang cho vay cao hơn mức 18% có thể hạn chế cho vay để tính toán lại nguồn vốn, thậm chí có thể “vẽ” thêm một vài loại phí để lách trần lãi suất.

Trong ngày 17-5, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) đã công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng là 13,3%/ năm, từ 6-12 tháng là 13,5%/năm và trên 12 tháng là 13%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội cũng đã ấn định lãi suất huy động là 15%/năm cho các kỳ hạn 1-12 tháng. Nhóm các ngân hàng cổ phần lớn cho rằng mức 15%/năm là quá cao, nhất là trong điều kiện các ngân hàng vẫn phải nộp dự trữ bắt buộc ở mức cao, còn lãi suất cho vay thì bị khống chế. Một số ngân hàng thì cho rằng trước mắt chỉ nên ấn định ngân hàng huy động ở mức 14% trở lại, chờ diễn biến của thị trường rồi mới tính tiếp.

Theo nhận định của chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, lãi suất trên thị trường sẽ không biến động quá mạnh bởi các ngân hàng phải cân đối chi phí đầu vào và đầu ra. Một tổng giám đốc ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho rằng tăng lãi suất huy động, lượng tiền gửi tại lãi suất tăng lên nhưng mức tăng sẽ vừa phải, khồng dồi dào như trước. Nguyên nhân là do mức lãi suất cơ bản vẫn còn chênh so với lạm phát, vì vậy Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải linh hoạt trong điều hành lãi suất cơ bản. Muốn tiền vào ngân hàng nhiều phải tăng thêm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng cũng cho rằng chính mức trần lãi suất cho vay sẽ kềm bớt cuộc chạy đua lãi suất nhưng vẫn tạo ra cho các ngân hàng một khoảng trời rộng hơn để ấn định lãi suất huy động, không quá gò bó như trần lãi suất huy động đã áp dụng trong thời gian qua.

Vẫn phải thỏa thuận lãi suất

Giá vàng tăng theo giá dầu

Giá vàng thế giới đã bất ngờ leo qua ngưỡng 900 USD/ounce trong ngày 17-5, có lúc đạt 901,6 USD/ounce (17,6 triệu đồng/lượng). Giá vàng thế giới tăng do giá dầu đã lập kỷ lục mới:127,82 USD/thùng. Giá vàng trong nước tăng thêm 350.000 đồng/lượng so với ngày 16-5 Vào cuối ngày 17-5, giá bán vàng SJC do Công ty vàng bạc đá quí Sài Gòn (SJC) và Công ty vàng bạc đá quí Phú Nhuận công bố là 17,74 triệu đồng/lượng. Giá tăng nhưng sức mua rất yếu.  

Theo các chuyên gia ngân hàng, cơ chế lãi suất vừa ban hành vẫn theo nguyên tắc thỏa thuận nhưng nay thực hiện theo đúng các qui định của pháp luật đã có hiệu lực từ nhiều năm qua, đó là Luật dân sự (qui định mức cho vay tối đa không vượt quá 150% lãi suất cơ bản) và Luật ngân hàng nhà nước (qui định lãi suất cơ bản). Lãi suất cơ bản được công bố là 12%/năm thì lãi suất cho vay tối đa là 18%/năm, áp dụng cho các trường hợp cho vay (người gửi tiền cho ngân hàng, ngân hàng cho khách hàng vay…).

Từ ngày 19-5, áp dụng cơ chế lãi suất mới, giữa người đi vay và người cho vay vẫn thỏa thuận lãi suất nhưng phải nằm trong khuôn khổ của Luật dân sự và Luật ngân hàng nhà nước. Trong khung tối đa là 18%/năm, sẽ có người được vay 17% nhưng cũng có người phải vay 18% và cũng có người chỉ vay có 15%… tùy vào thỏa thuận giữa các bên. Tương tự, cũng sẽ có ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng 12% nhưng cũng có ngân hàng là 15 thậm chí là 18%/năm…

Thời gian qua lãi suất cơ bản không sát với thực tế, xoay quanh mức 8,5-8,75%/năm (tương ứng với trần LS cho vay tối đa là 12,75-13,125%/năm) trong khi mức lạm phát cao, đẩy lãi suất huy động tăng cao. Từ đó các ngân hàng cũng đẩy lãi suất cho vay vượt quá trần cho vay tối đa của Luật dân sự. Nhiều ngân hàng cùng vi phạm trần lãi suất cho vay của Luật dân sự là do Ngân hàng Nhà nước “đóng băng” lãi suất cơ bản.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ