Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Đảm bảo cao nhất quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Dự thảo Luật này sẽ đảm bảo cao nhất quyền tự do kinh doanh của DN…

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương đã được trình Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trải qua thời gian soạn thảo, bổ sung, sửa đổi, Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội. Các ý kiến này đã giúp ban soạn thảo, các cơ quan thẩm tra nâng cao chất lượng văn bản pháp quy này.

“Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều khẳng định tính cần thiết, khả thi và đánh giá cao chất lượng dự thảo luật này sau khi được đưa ra xin ý kiến tại kỳ họp. Sau khi lấy ý kiến thảo luận, tiếp thu, sửa đổi, các ý kiến đều khẳng định phải xem xét và sớm thông qua Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương – một dự thảo luật rất quan trọng của nước ta trong bối cảnh phát triển hiện nay khi ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Nhằm hoàn thiện Dự thảo luật này, các ý kiến góp ý tại hội trường sáng nay đã tập trung 5 vấn đề lớn. Thứ nhất là liên quan đến phạm vi điều chỉnh, từ ngữ, khái niệm trong Luật.

Thứ hai là một số vấn đề cụ thể liên quan đến bố cục, nội dung cụ thể của các điều khoản, từ ngữ.

Thứ ba là liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm đầu mối của Nhà nước về quản lý ngoại thương, quản lý xuất nhập khẩu. Trong đó đặc biệt là vai trò, cơ chế, những biện pháp thực thi phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, xây dựng môi trường kiến tạo, thuận lợi cho các hoạt động thương mại quốc tế của DN, phù hợp cam kết quốc tế.

Thứ tư, các đại biểu cũng đi sâu vào những vấn đề về quản lý nhập khẩu, các biện pháp thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu, xử lý tranh chấp thương mại, thực hiện phòng vệ thương mại.

Thứ năm, các đại biểu băn khoăn ý nghĩa của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), các cơ quan XTTM, nhu cầu cần có đầu mối tập trung thống nhất xây dựng chương trình XTTM quốc gia để hỗ trợ nền kinh tế, phục vụ cộng đồng DN trong hoạt động ngoại thương…

Liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, Dự thảo luật này được xây dựng dựa trên tinh thần hiến định, tuân thủ hiến pháp, đảm bảo cao nhất quyền tự do kinh doanh theo đúng quy định pháp lý, hoàn toàn không có thêm nội dung nào chứa đựng giấy phép mới hoặc quy định, thủ tục mang tính hành chính mới. Các nội dung chỉ được tập trung, thống nhất trên tinh thần tiếp thu, sửa đổi sao cho phù hợp với bối cảnh hội nhập trên tinh thần kiến tạo và hỗ trợ DN.

“Năm 2017, trong chương trình làm việc chung, Bộ Công Thương đã cam kết sẽ giảm tiếp tục 30% các thủ tục hành chính của Bộ. Luật Quản lý ngoại thương và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương cũng sẽ được thực hiện công khai theo tinh thần đó”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về đầu mối quản lý ngoại thương. Đồng thời có cơ chế, biện pháp đi kèm để đảm bảo có sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực chuyên ngành như nông nghiệp, y tế, quản lý hoạt động buôn bán qua biên mậu… Đặc biệt, trong quá trình làm luật, cơ quan làm luật không thể tự ban hành thêm các giấy phép vì luật phải tương thích và phù hợp cam kết hội nhập. Các điều khoản trong Dự thảo Luật cũng chịu sự giám sát của các đối tác đã có khung khổ hợp tác với Việt Nam. Do đó, tất cả các điều khoản đã được Bộ Công Thương xây dựng và thực thi theo đúng các nguyên tắc và khung khổ hội nhập.

Riêng với ý kiến cho rằng nên chăng thành lập một cơ quan quản lý hoạt động XTTM mang tầm quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, dựa vào xuất khẩu. Đặc biệt hiện Việt Nam đang nỗ lực mở cửa thị trường với một trong những công cụ hữu ích được quyền sử dụng là XTTM. Đến nay, chúng ta có một hệ thống các cơ quan đại điện nước ngoài, từ thương mại, lao động, nông nghiệp… tập hợp thành cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam. Bộ Công Thương cũng có đại diện thương mại tại 56 quốc gia và nền kinh tế, là công cụ hỗ trợ cho hàng hóa XK, góp phần giúp DN khai thác tốt hiệu quả của các thị trường qua các Hiệp định thương mại tự do.

“Bộ Công Thương sẽ không xin thành lập thêm cơ quan XTTM mà giao nhiệm vụ cho các cơ quan đại diện tham gia hỗ trợ DN và hoạt động thương mại theo hướng có cơ chế linh hoạt để khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ cho DN trong phát triển thương mại quốc tế. Hoạt động XTTM trong thời gian tới sẽ không chỉ gói gọn trong các hội chợ, triển lãm mà còn hỗ trợ thông tin về nhu cầu của thị trường nước ngoài, cảnh báo về tranh chấp thương mại…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết. 

Dương Công Chiến
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/dam-bao-cao-nhat-quyen-tu-do-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-63288.html