Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư- Võ Hồng Phúc “Cần có sự phối hợp rà soát đầu tư công”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thưa Bộ trưởng, một trong những giải pháp Chính phủ vừa đề ra trong kiềm chế lạm phát là cần rà soát đầu tư công. Vậy đối tượng nào sẽ được đưa vào mục tiêu để rà soát? Nói chính xác hơn đó chính là rà soát chi tiêu công. Chi tiêu công bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư.Trong tình hình hiện nay chúng ta phải giảm chi tiêu công, nhưng trong chi công đó là phải giảm chi thường xuyên bao gồm chi dùng cho hành chính, cho sự nghiệp, chi những cái không cần thiết (tiếp khách, ngoại giao…). Tuy nhiên, Chính phủ chưa đặt vấn đề giảm chi đầu tư ở khu vực ngân sách Nhà nước (NSNN). Chẳng hạn, như tổng mức đầu tư giáo dục từ NSNN vẫn phải giữ tổng mức đó, nhưng do giá cả hiện nay biến động, với tổng mức vốn như vậy không thể thực hiện được khối lượng công việc từ trước đã định ra.  Chính vì vậy, Chính phủ yêu cầu các Bộ, các địa phương có sử dụng ngân sách cho đầu tư phải rà soát lại hạng mục công trình, những công trình nào chưa cấp thiết nên dừng lại chưa triển khai, những công trình nào đã triển khai dở rồi thì ưu tiên dồn vốn cho những công trình có yêu cầu cấp thiết. Thêm một nội dung của đầu tư công, đó là đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước, từ tín dụng đầu tư. Như chúng ta đã biết, thời gian vừa qua, chi dư nợ tín dụng cho đầu tư đã tăng trưởng quá lớn. Thông thường tăng dư nợ tín dụng cho đầu tư chỉ khoảng 26-30%. Nhưng năm 2007 tỷ lệ này đã tăng tới mức 53,85%. Quý I/2008 chúng ta đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm dư nợ tín dụng xuống, nhưng vẫn tăng 10,5%, tăng gấp đôi so với quý I/2007 là 5,04%. Do vậy, mục tiêu của Chính phủ trong đầu tư công, đầu tư từ vốn Nhà nước, các doanh nghiệp phải rà soát lại, đặc biệt là đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 90, 91… Những đầu tư nào có hiệu quả mới triển khai như đầu tư về điện, các nhà máy sản xuất ở mỏ than, xi măng… Tuy nhiên, những đầu tư về bất động sản thì phải rà lại, hay một số đầu tư cho các lĩnh vực mà chưa cấp thiết lắm cho nền kinh tế. Trong giải pháp mà Chính phủ đưa ra dường như mới chỉ mang tính định tính nhiều hơn, và chưa có tính định lượng. Vậy, tiêu chí cụ thể nào để các Bộ, ngành, địa phương có thể dựa vào đó để tiến hành rà soát lại đầu tư, thưa Bộ trưởng? Chúng ta đã có tính định lượng như chi thường xuyên là cắt giảm 10%, chi đầu tư từ ngân sách không giảm về số lượng. Các tiêu chí để rà soát là tuỳ vào số lượng, tuỳ ở mỗi địa phương sẽ có một yêu cầu riêng. Chúng ta không thể áp đặt cơ chế là bắt giảm chi đầu tư này, hay đầu tư kia mà phải là chủ động rà soát với sự phối hợp của các Bộ, các ngành. Ở các địa phương miền núi, đầu tư đường giao thông rất quan trọng, thì chúng ta phải đảm bảo. Ví dụ như đầu tư chương trình 135 là liên quan tới vấn đề xoá đói giảm nghèo thì phải đảm bảo. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng thì thuỷ lợi là vấn đề cần phải tập trung đầu tư. Việc cắt giảm những đầu tư không cần thiết, chưa cấp bách thì phải giảm lại, đó là ý nghĩa của giải pháp này. Chính phủ muốn tạo sự chủ động từ các địa phương. Thực tế hiện nay ngân sách đã được cấp rồi, Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyết định nguồn vốn đầu tư. Chính phủ đảm bảo không giảm tổng số vốn, nhưng vì giá cả tăng, cho nên khối lượng công trình phải giảm và giao cho các địa phương phải chủ động việc này. Như vậy, liệu có tình trạng Bộ, ngành nào cũng nói rằng dự án này của tôi là vẫn đang rất hiệu quả, nên tôi cần phải đầu tư. Nếu có, việc này sẽ phải giải quyết thế nào, thưa Bộ trưởng, ?  Không thể có vấn đề đó được. Hiện nay các dự án đều sử dụng vốn tín dụng đầu tư là vay Ngân hàng. Ngân hàng phải tính trên mức hiệu quả cụ thể dự án để cho vay. Đồng thời, chúng ta có đề nghị với Ngân hàng là không được tăng tổng mức dư nợ cho vay về kinh tế. Tôi ví dụ, đầu tư cho dự án khai thác quặng Bô xít, trong tương lai là rất cần, nhưng xem xét lại thì thấy có thể giãn lại đầu tư. Như vậy, những đầu tư mà làm được ngay, có lợi thế ngay cho nền kinh tế thì cần thực hiện. Chứ không thể khẳng định chủ quan của mình, dự án của tôi là trên hết, là cần thiết! Việc này phải có sự đồng thuận của các Bộ, ngành. Vai trò của các Bộ, ngành hiện nay là rất lớn. Chẳng hạn, đối với ngành Than, việc rà soát, cắt giảm đầu tư dự án thế nào, Bộ Công Thương phải phối hợp với Ngân hàng (đơn vị cho vay) đứng ra dàn xếp. Hoặc đối với công trình của các Tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải thì Bộ Giao thông Vận tải phải đứng ra rà lại. Vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn và Tổng Công ty đầu tư sản xuất kinh doanh những mặt hàng khác không phải lĩnh vực trọng tâm ngành mình. Đây cũng là hiện tượng mà Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp không nên thực hiện trong thời điểm này. Vậy, ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?  Theo tôi, đầu tư ngoài rất nguy hiểm. Khi lập ra doanh nghiệp Nhà nước phải đưa việc kinh doanh ngành hàng nào là lĩnh vực trọng tâm. Đầu tư ngoài sẽ xảy ra 2 hiện tượng: Thứ nhất là bỏ rơi hoặc sẽ không đảm đương được nhiệm vụ trọng tâm mà Nhà nước giao. Thứ hai, sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư chéo nhau và đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, nếu các Tập đoàn, Tổng công ty còn đầu tư thêm lĩnh vực tài chính, thì sẽ rơi vào tình trạng của một số nước trong khu vực trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Kinh nghiệm tại những nước này cho thấy, nếu nền kinh tế xảy ra khủng hoảng sẽ rất khó kiểm soát và đổ vỡ tài chính sẽ bắt đầu từ chính các tập đoàn này và kéo theo đổ vỡ dây chuyền. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Báo điện tử Kinh tế Việt Nam