Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu : Tiêu điểm của công tác dân số là phải giữ mức sinh thấp dưới ngưỡng thay thế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

*Phóng viên(PV): Thưa Bộ trưởng, nhiều năm nay công tác tuyên truyền Dân số, chúng ta luôn đặt cao vị trí, tầm quan trọng của vấn đề. Nay Chính phủ quyết định điều chuyển Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em với cả bộ máy quản lý Dân số về Bộ Y tế, theo Bộ trưởng sự việc này đó có đồng nghĩa hạ thấp vị trí, tầm quan trọng của vấn đề Dân số hay không?
*Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết : Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đánh giá cao, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình. Mọi người đều biết, từ những năm thập kỷ 60 của thế kỷ XX, dân số đã nổi lên thành một trong những vấn đề “nóng” của toàn cầu. Dân số quá đông và tăng nhanh vấn là một trở ngại lớn. Bức tranh toàn cầu như vậy, trong khi Việt Nam của chúng ta lại đất chật, người đông, dân số “trẻ”, đang gia tăng nhanh thì vấn đề gia tăng dân số càng đáng quan ngại!
*PV: Thưa Bộ Trưởng, thực tế việc chuyển Ủy ban Dân Dân số, Gia đình và Trẻ em sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý dân số?
*Bộ trưởng cho biết: Sự việc thành lập Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ, sau là Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; nay đưa các chức năng của ngành về Bộ Y tế là hoàn toàn thích hợp; trong đó chức năng quản lý dân số . Việc đưa ngành dân số về Bộ Y tế được nhìn nhận là những đổi thay cần thiết trong lộ trình cải cách hành chính, tiến tới một nền hành chính văn minh, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Việc đổi thay ấy hoàn toàn không có nghĩa hạ thấp vị trí, tầm quan trọng của vấn đề dân số. Theo phương hướng cải cách hành chính, trong những điều kiện cụ thể hôm nay, điều chuyển chức năng quản lý dân số về Bộ Y tế, trước mắt không tránh khỏi một số khó khăn, trục trặc nhất định về sắp xếp bộ máy, cán bộ, điều kiện, phương tiện làm việc. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại này đang và sẽ được nhanh chóng vượt qua. Lợi ích cơ bản, lâu dài là phát huy lợi thế cả hai bên. Y tế thông qua các hoạt động dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kể cả phòng, chống vô sinh… phục vụ đắc lực cho dân số thực hiện giảm sinh, giảm gia tăng dân số. Ngược lại, dân số phấn đấu giảm sinh thì “gánh nặng” Y tế phục vụ thai sản, trẻ em được giảm bớt; giảm gia tăng dân số thì “gánh nặng” y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân cũng được giảm theo. Được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nặng nề song rất vẻ vang, Bộ Y tế, bao gồm cả bộ máy làm công tác dân số quyết tâm nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa.
*PV. Thưa Bộ trưởng năm 2007, đang có một số vấn đề nổi cộm của công tác dân số, như mức sinh trở lại tăng cao, mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh, tỉ lệ nạo hút thai cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến đánh giá những “nổi cộm” ấy như thế nào? Triển vọng ra sao?
*Bộ trưởng trả lời: Đúng là đang có những vấn đề nổi cộm. Chỉ tiêu giảm sinh chưa đạt kế hoạch. Một số nơi mức sinh trở lại tăng cao hơn năm trước do tâm lý muốn sinh con vào năm “Đinh Hợi- năm heo vàng”. Song có một thực tế là trên phạm vi cả nước, mức sinh năm 2007 vẫn giảm thấp hơn năm 2006- đó là kết quả đáng mừng! Đương nhiên, những nơi mức sinh tăng trở lại, tỉ lệ sinh con thứ ba cao, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có giải pháp thích hợp. Vấn đề giới tính sơ sinh (dân số học gọi là Sex Ratio at Birth, ký hiệu SrB, tính bằng số sinh trai trên 100 trẻ gái), bản chất rất phức tạp. Để đạt sự quân bình toàn dân tộc, hơn nữa toàn nhân loại, thời gian dài, tất yếu nơi này nơi kia, lúc này lúc kia, SrB có những chênh lệch. Khi thấy xuất hiện những chênh lệch bộ phận đó, không nên vội suy nghĩ đơn giản “mất cân bằng”. Đương nhiên, đâu đó có hiện tượng cố ý can thiệp giới tính, cần chỉ rõ là phạm pháp, băng hoại đạo đức, cần được kịp thời ngăn chặn. Tỉ lệ nạo hút thai chung, đặc biệt trong lứa tuổi vị thành niên là một “nhức nhối” xã hội. Tuy nhiên, vấn đề có nguồn gốc sâu xa trong thay đổi lối sống, đô thị hoá, quốc tế hoá… Giải pháp chính yếu là tăng cường thông tin – giáo dục – truyền thông (IEC), sẵn sàng các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ sức khoẻ sinh sản lành mạnh.
*PV:Thưa Bộ trưởng cho biết vì sao việc nâng cao chất lượng dân số là một mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững đất nước?
*Bộ trưởng trả lời: Chất lượng dân số đúng là một mục tiêu lớn. Khi đặt vấn đề dân số cần phải giảm số lượng (giảm mức sinh, giảm thấp tốc độ gia tăng dân số, kể cả tốc độ 0 và tốc độ âm), chính là để tập trung nâng cao chất lượng. Dân số chất lượng cao là một thành tố không thể thiếu của phát triển bền vững đất nước, xã hội; hơn nữa còn là nhân tố giữ vai trò chủ động, tích cực tạo lập phát triển bền vững. Tuy nhiên, chất lượng dân số là vấn đề rất rộng. Trong Chỉ số phát triển con người HDI, tuổi thọ (tên đầy đủ là: Tuổi sống hi vọng tính từ lúc sinh) được xem là thành phần trực tiếp thể hiện chất lượng dân số. Có ý kiến kể thêm cả các chỉ tiêu giáo dục (tỉ lệ người lớn biết chữ; tỉ lệ nhập học của các bậc tuổi). Đối với chỉ tiêu kinh tế (GDP bình quân đầu người), vẫn có thể lý giải có phần chất lượng dân số, biểu hiện năng suất lao động xã hội cao. v.v. Cho nên, chừng mực nào đó, toàn bộ HDI cũng có thể coi như một tổng hợp thể của chất lượng dân số. Theo báo cáo mới nhất của LHQ năm 2007 về HDI, chỉ số của Việt Nam tính từ năm 1985 là 0,590, liên tục tăng sau mỗi kỳ 5 năm lần lượt là 0,620 – 0,672- 0,711 – 0,733. Năm 2007, (tính theo số liệu năm 2005), Việt Nam đứng hạng thứ 105 (trên 177 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng). So với xếp hạng năm 2006, Việt Nam tăng được 4 bậc. Đó là một kết quả rất đáng tự hào.
*PV: Với tư cách Bộ quản lý công tác dân số, xin Bộ trưởng cho biết khái quát những nét lớn thực hiện nâng cao chất lượng dân số thời gian tới?
*Bộ trưởng cho biết: Sắp tới, một mặt yêu cầu nội tại bức thiết chúng ta phải phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; mặt khác yêu cầu khách quan của hội nhập quốc tế sâu rộng, khi Việt Nam là thành viên WTO, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực mức cao hơn nữa. Tiêu điểm là phải giữ mức sinh thấp dưới ngưỡng thay thế; tiếp tục nâng cao tuổi thọ; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; đạt mức tăng trưởng GDP cao; thực hiện xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; bảo vệ môi trường trong lành, theo hướng phát triển bền vững.
* PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Nguồn: TTXVN